Chính phủ 'tiếp máu' cho doanh nghiệp: Xung lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2022

Trong 2 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Có thể nói, các giải pháp này đang 'tiếp máu' cho doanh nghiệp, tạo xung lực cho nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2022.

Doanh nghiệp được “cấp cứu”

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Riêng trong quý III/2021, do nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế cả nước đã giảm 2,4 triệu người so với quý trước. Nghĩa là “đội quân” thất nghiệp đã tăng 2,4 triệu người, chỉ trong 1 quý. Điều này đã đè nặng lên công tác an sinh - xã hội.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, cả nước mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. Trong đó, các ngành dịch vụ, vận tải, du lịch, xây dựng,... có tỷ lệ phá sản cao nhất trong cơ cấu kinh tế.

Dù vậy, với quyết tâm khôi phục lại nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, và người lao động bị mất việc làm trong thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Phan Bá Mạnh - Giám đốc của một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết: Trong 2 năm bị bào mòn bởi đại dịch COVID-19, doanh nghiệp này đã hết sức cố gắng để không lâm vào tình cảnh phá sản. Theo ông Mạnh, với riêng ngành xây dựng, năm 2021 khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2020. Bên cạnh lý do dịch bệnh phức tạp hơn, thời gian giãn cách xã hội lâu hơn, thì giá cả nguyên vật liệu đầu vào như sắt, thép, xi-măng, giá lao động, giá vận chuyển, logistics,... đã khiến doanh nghiệp này rơi vào thế “khó chồng khó”.

Theo ông Mạnh, trong giai đoạn giãn cách xã hội, UBND Hà Nội đã yêu cầu các công trình xây dựng phải tạm ngưng thi công. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp này phải tạm ngừng hoạt động cho tới khi Hà Nội cho phép. “Tuy nhiên, chỉ trong 1 tháng tạm nghỉ, chúng tôi bắt đầu phát sinh ra hàng loạt vấn đề, như lao động yêu cầu trả lương hoặc trợ cấp cho họ, hoặc chúng tôi phải thanh toán tiền vật liệu theo tiến độ. Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đồng nghĩa với không có doanh thu, chúng tôi không có đủ tiền mặt để trả lương cho người lao động hay trả tiền cho đối tác. Đã có lúc tôi nghĩ tới chuyện tuyên bố phá sản”, ông Mạnh chia sẻ.

Tại thời điểm khó khăn nhất, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ đã thực sự “cấp cứu” được các doanh nghiệp đang trong tình trạng “hấp hối”.

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Mạnh nói: “Rất may, đầu tháng 9, doanh nghiệp chúng tôi tiếp cận được gói hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để tái sản xuất và trả lương cho người lao động. Dù số tiền chưa đủ để “hồi sinh”, nhưng nó đủ để chúng tôi cầm cự và bước vào quá trình hoạt động trở lại trong tháng 10”.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong 2 năm qua

Trên thực tế, trong suốt 2 năm Việt Nam đối mặt với đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Ngay trong năm 2020, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí và các khoản thu ngân sách nhà nước được các cơ quan có thẩm quyền ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đơn cử, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Tiếp đến là Nghị định 109 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước,...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi đại biểu doanh nhân.

Bên cạnh đó, các Bộ Công Thương, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho từng nhóm ngành nghề. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục điều chỉnh lãi suất điều hành, và khuyến khích các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dù các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong năm 2020 có quy mô lớn, thế nhưng, hiệu quả của các gói hỗ trợ này không cao, do chậm triển khai giải ngân các gói hỗ trợ.

Sang năm 2021, ngoài việc có thêm các gói hỗ trợ mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68, yêu cầu Bộ ngành liên quan, tăng tốc độ giải ngân các gói hỗ trợ, nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế cho biết: Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44, Nghị định 52, Quyết định 27,... về việc chấp nhận giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phi.

Ước tính các giải pháp về thuế, phí đã ban hành trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khoảng 138.000 tỷ đồng. Trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng; số được miễn, giảm là 23.000 tỷ đồng.

Đồng thời, trong năm 2021, Chính phủ cũng đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, tiếp đến là gói 38.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Giảm thuế GTGT - “một mũi tên trúng 2 đích”

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đánh giá: 2 năm qua, các chính sách hỗ trợ đều tập trung vào 3 nhóm giải pháp, chính là tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội.

Ba nhóm giải pháp này có quy mô lớn, phạm vi bao phủ rộng, Chính phủ cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ rất nhanh, đúng thời điểm. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các cấp lãnh đạo, giữa Quốc hội và Chính phủ cũng có sự phối hợp hài hòa.

“Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành một số Nghị quyết chưa từng có, để mở đường cho Chính phủ đưa ra các giải pháp nhanh hơn, hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Trong nhiều giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ ngay lập tức đã “tiếp máu” cho doanh nghiệp hồi phục.

Bên cạnh đó, ông Lộc tán thành việc Chính phủ đồng ý giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) phải nộp trong năm 2021, đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ dưới 200 tỷ đồng. Như vậy, các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh cũng được hưởng lợi sau khi chính sách này có hiệu lực.

Đặc biệt, ông Lộc đánh giá rất cao việc Chính phủ điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) từ 10% xuống còn 7%.

Ông Lộc phân tích: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ít doanh nghiệp có lãi, nên việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ có ít đối tượng được hưởng. Thế nhưng, giảm thuế GTGT xuống 7% lại có phạm vi rất lớn.

“Việc giảm thuế GTGT sẽ khiến giá trị hàng hóa giảm xuống, điều này sẽ kích thích tiêu dùng nội địa. Khi thị trường nội địa tăng cao, quá trình sản xuất cũng sẽ tăng theo, từ đó nền kinh tế sẽ được hồi phục từ nội lực. Có thể nói, giảm thuế GTGT như một mũi tên trúng 2 đích trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Để có được nguồn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ông Lộc cho rằng, ngành tài chính đã có bước chuẩn bị rất tốt, như giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách xuống mức trần mà Quốc hội cho phép,...

“Tất cả những điều này đã tạo ra “của ăn của để” cho ngân sách nhà nước, từ đó mới có dư địa để các cấp, ngành đưa ra các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, ngoài các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo ra nhiều giải pháp hoạt động kinh doanh sống chung với dịch bệnh, như chuyển đổi phương án chiến lược sản phẩm tạm thời, tìm thị trường ngách,... Đặc biệt, giải pháp hiệu quả nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình trực tuyến, làm việc từ xa.

Tất cả các yếu tố này sẽ tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng trong năm mới - năm 2022.

Tiểu Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-phu-tiep-mau-cho-doanh-nghiep-xung-luc-tang-truong-kinh-te-trong-nam-2022-post174206.html