Chính phủ: Tiếp tục đề xuất miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất
Chính phủ giao Bộ Tài chính mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, nhất là đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới...; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp...
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2025.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thế giới, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả để ứng phó với các vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội của nước ta.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...) và nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, tăng trưởng của các địa phương, nhất là các thành phố lớn là "đầu tàu" kinh tế, cực tăng trưởng, các địa phương tiềm năng để chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nỗ lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng được Chính phủ giao, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước đạt 8% trở lên và phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi...
![(Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_579_51443158/2f06a66692287b762239.jpg)
(Ảnh minh họa)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ; thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm; triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (cho vay nhà ở xã hội, cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản...).
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng dư địa về nợ công để đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực cho phát triển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới...
Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội, bảo đảm hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp...