Chính phủ yêu cầu trình Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quý I/2021

Chính phủ vừa thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, trình Chính phủ trong quý I/2021.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân trở thành vấn đề cấp thiết

Nghị quyết 138 của Chính phủ về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 29/9/2020. Theo đó, đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ thông qua trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an tại Tờ trình số 399 ngày 5/8/2020 và kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ.

Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ trong quý I/2021.

Xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cùng các văn bản hướng dẫn là một trong những nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Công an tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Trong dự thảo tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân (phiên bản dự thảo được đăng trên bocongan.gov.vn hồi tháng 2/2020 để lấy ý kiến đóng góp), Bộ Công an cho hay, trong thời đại công nghệ số hiện nay, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Theo nhiều quốc gia, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ và bảo vệ dữ liệu cá nhân được thể hiện qua nhiều khía cạnh như: bảo đảm quyền tự chủ, quyền riêng tư và bảo toàn được danh dự, uy tín của mỗi cá nhân, giúp cá nhân kiểm soát tốt hơn các vấn đề trong cuộc sống, tăng cường niềm tin trong xã hội và là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quyền được bày tỏ chính kiến, quyền tự do ngôn luận.

Quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ. (Ảnh minh họa: Internet)

Quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ. (Ảnh minh họa: Internet)

Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị xây dựng Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, số lượng người sử dụng Internet đạt hơn 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số (66%), tăng hơn 19% so với năm 2018, xếp thứ 13 trên thế giới về số người dùng, trong đó có 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google. Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh và cơ sở hạ tầng dữ liệu đang được cải thiện. Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân lại càng lớn. Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân; đồng thời, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế…

Cùng với đó là yêu cầu từ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật. Thách thức trước những dịch vụ mới, sử dụng thông tin cá nhân trên không gian mạng, như: thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, kinh doanh đa cấp qua mạng... đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây nguy cơ mất an ninh mạng.

Ngoài ra, còn xuất phát từ yêu cầu cấp bách của việc triển khai Chính phủ điện tử và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; yêu cầu nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là các thông tin về lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính... để người dân nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần phòng ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh Châu Âu (GDPR).

Yêu cầu cơ bản khi xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo Bộ Công an, việc xây dựng dự thảo Nghị định được thực hiện trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tính kế thừa của văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bí mật cá nhân, thông tin cá nhân, quyền riêng tư, tính kế thừa của văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có liên quan tới nội dung bảo vệ dữ liệu cá nhân; Cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; Bảo đảm tính khả thi của Nghị định trong điều kiện CNTT, không gian mạng đang phát triển, ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; bảo vệ dữ liệu cá nhân là nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Tại Dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công an đã nêu ra 5 yêu cầu cơ bản đưa đến việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, Bộ Công an cũng đề xuất 4 chính sách với mục tiêu, nội dung chính sách và giải pháp thực hiện chính sách, bao gồm: chính sách Quy định về dữ liệu cá nhân; chính sách Xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; chính sách Quy định quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân; chính sách Quy định chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định trong Nghị định.

Đối với chính sách Quy định về dữ liệu cá nhân, mục tiêu của chính sách này là xây dựng được các quy định pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính dự báo về dữ liệu cá nhân, chủ dữ liệu cá nhân, quyền cơ bản của chủ dữ liệu cá nhân; đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; tạo cơ chế, chính sách đồng bộ trong bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Về chính sách Quy định chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định trong Nghị định, dự thảo đề xuất nội dung của chính sách gồm: Xây dựng các quy định mới của pháp luật về chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; sửa đổi, thống nhất một số quy định của pháp luật về chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Trí Tâm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/chinh-phu-so/chinh-phu-yeu-cau-trinh-nghi-dinh-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-trong-quy-i-2021/20200930102811299