Trò chơi điện tử hỗ trợ học tập: Sản phẩm hữu ích cho học sinh học phân môn Hóa học lớp 7

'Game (trò chơi điện tử) hỗ trợ học tập các nguyên tố hóa học và công thức hóa học môn Khoa học tự nhiên lớp 7' là sản phẩm của nhóm nghiên cứu gồm các em: Nguyễn Hồng Thủy, Nông Bảo Đăng, Nông Hoàng Phương Linh, Nguyễn Tuấn Dũng, Trần Hoàng Giang dưới sự hướng dẫn của cô Dương Bích Diệp, giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Trò chơi được xây dựng nhằm giúp học sinh đọc đúng tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất hóa học; cung cấp những kiến thức cơ bản về các nguyên tố hóa học và công thức hóa học.

Thành viên nhóm nghiên cứu giới thiệu về trò chơi đến học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn

Thành viên nhóm nghiên cứu giới thiệu về trò chơi đến học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn

Em Nguyễn Hồng Thủy, Lớp 7A5, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Bắt đầu từ năm học 2022 – 2023, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai. Trong đó môn Khoa học tự nhiên lớp 7 tích hợp kiến thức thuộc lĩnh vực vật lí, sinh học, hóa học. Trong đó, ở phân môn Hóa học tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất hóa học được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây. So sánh bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học giữa chương trình cũ và chương trình mới, một số nguyên tố như Nitơ (N) sẽ đọc là Nitrogen; Đồng (Cu) đọc là Copper; Canxi (Ca) đọc là Calxium; Oxy (O) là Oxygen… Ngoài việc phải nhớ và ghép đúng tên với ký hiệu hóa học thì ở môn Khoa học tự nhiên lớp 7, chúng em cần phải thuộc hóa trị của các nguyên tố và quy tắc hóa trị trong việc xác định công thức hóa học. Đây là những kiến thức mới và tương đối khó nhớ. Chính vì vậy, trong năm học 2023 – 2024, chúng em đã thực hiện dự án "Game hỗ trợ học tập các nguyên tố hóa học và công thức hóa học môn Khoa học tự nhiên lớp 7".

"Game hỗ trợ học tập các nguyên tố hóa học và công thức hóa học môn Khoa học tự nhiên lớp 7" được xây dựng trên nền tảng trò chơi trực tuyến và thế giới ảo Roblox. Đây là nền tảng cho phép người chơi xây dựng các trò chơi theo kịch bản tùy chỉnh, tạo ra và chia sẻ trang phục, vật phẩm cho những người chơi khác.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các công cụ xây dựng Roblox Studio để tạo ra môi trường cho trò chơi với các nhân vật, cảnh quan, cấp độ... Sử dụng ngôn ngữ lập trình Lua để viết các chương trình điều khiển hành vi cũng như chức năng như di chuyển nhân vật, tương tác với vật phẩm, quản lý nhiệm vụ... trong trò chơi. Học sinh có thể truy cập các đường dẫn (link) hoặc quét mã QR code để tải trò chơi về máy tính, điện thoại thông minh để chơi và học. "Game hỗ trợ học tập các nguyên tố hóa học và công thức hóa học môn Khoa học tự nhiên lớp 7" được xây dựng gồm 3 cấp độ: cấp độ 1 được thiết kế với mức độ nhận biết tên nguyên tố, ký hiệu hóa học, cách phát âm tên nguyên tố theo chuẩn IUPAC, phân loại được nguyên tố hóa học (kim loại, phi kim, khí hiếm) trong phạm vi 20 nguyên tố đề cập tới trong sách giáo khoa; cấp độ 2 được thiết kế ở mức độ thông hiểu về nguyên tố hóa học và nâng độ khó lên trong phạm vi 50 nguyên tố; cấp độ 3 được thiết kế với mức độ vận dụng, theo đó người chơi áp dụng quy tắc hóa trị để xác định công thức hóa học đúng hoặc sai.

Sau khi hoàn thiện, nhóm nghiên cứu đã mời học sinh trong trường cũng như những giáo viên môn Khoa học tự nhiên thử nghiệm, trên cơ sở góp ý của người dùng, nhóm đã tiến hành chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm. "Game hỗ trợ học tập các nguyên tố hóa học và công thức hóa học môn Khoa học tự nhiên lớp 7" được người dùng đánh giá là có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, phù hợp với học sinh lớp 7 và lớp 10 khi học về nguyên tố hóa học, ký hiệu hóa học, công thức hóa học; tên, ký hiệu và cách đọc nguyên tố hóa học rõ ràng, chế độ chơi nhiều người giúp tăng tương tác và cạnh tranh trong học tập; trò chơi có khả năng lưu trữ, theo dõi thành tích của người chơi và không tính phí.

Cô Dương Bích Diệp, giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ: Ý tưởng làm “Game hỗ trợ học tập các nguyên tố hóa học và công thức hóa học môn Khoa học tự nhiên lớp 7" nảy sinh khi các em bắt đầu học và thấy vấn đề khó khăn khi học phân môn này. Để hoàn thành mục tiêu, các em đã rất nỗ lực nghiên cứu, học hỏi về công nghệ thông tin, lập trình. Với vai trò là giáo viên hướng dẫn, tôi cũng hỗ trợ các em nghiên cứu trước nội dung môn học để hiểu và thiết kế luật chơi cho phù hợp với kiến thức, công nghệ thông tin mà các em đang có. Mặc dù phải qua rất nhiều lần thử nghiệm, chỉnh sửa, nâng cấp song các em đều kiên trì, miệt mài nghiên cứu, kết quả là tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ học tập.

Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin như hiện nay, việc tạo ra các trò chơi điện tử liên quan đến kiến thức của các môn học không chỉ tạo hứng thú cho học sinh tự tìm hiểu, học tập mà còn giúp các em nắm vững, nhớ lâu các kiến thức, tạo không gian học tập tích cực, sáng tạo. Sau khi hoàn thành “Game hỗ trợ học tập các nguyên tố hóa học và công thức hóa học môn Khoa học tự nhiên lớp 7" đã được đông đảo học sinh trong trường đón nhận và ứng dụng vào học tập. Tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2024, “Game hỗ trợ học tập các nguyên tố hóa học và công thức hóa học môn Khoa học tự nhiên lớp 7" đã vượt qua hơn 180 dự án, giải pháp và đạt giải ba.

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tro-choi-dien-tu-ho-tro-hoc-tap-san-pham-huu-ich-cho-hoc-sinh-hoc-phan-mon-hoa-hoc-lop-7-5027563.html