Chinh phục đỉnh núi giữa mây trời

Thuộc phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn trên địa phận huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), đỉnh núi Lùng Cúng được mệnh danh là điểm săn mây đẹp nhất nhì Tây Bắc. Với độ cao 2.913m so với mực nước biển, để chinh phục ngọn núi này, du khách phải xuyên rừng, vượt núi trong một hành trình gian nan.

Xuyên qua từng tầng thực vật kỳ thú

Vào khoảng tháng 11-12 dương lịch, thời tiết miền Bắc bắt đầu mát mẻ, vùng núi cao khá lạnh, thích hợp cho các chuyến dã ngoại, leo núi. Chọn Lùng Cúng nằm giữa thiên đường ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải để chinh phục là một thử thách “khó nhằn” với dân leo núi nghiệp dư như chúng tôi.

Trước khi lên núi, mọi người được trải nghiệm thung lũng xanh mướt mang tên Tà Cua Y. Chúng tôi khá bất ngờ bởi tại nơi rừng sâu núi thẳm này lại có một vùng thảo nguyên thơ mộng, đầy lãng mạn đến vậy. Vào dịp cuối tuần thời tiết đẹp, nơi đây sẽ vô cùng lý tưởng cho du khách dã ngoại, cắm trại. Trước khi xuất phát, cả nhóm đã chọn người dẫn đường (porter) “đắt sô”, “nhiều kinh nghiệm” nhất ở đây là anh Lù A Cu.

Trong tiết trời sáng mù sương, chúng tôi có mặt ở bản Thào Chua Chải, xã Nậm Có bắt đầu hành trình theo chân Lù A Cu lên núi. Nhóm leo núi bắt đầu đi vào con đường mòn xuyên qua vài xóm nhà sàn của người Mông ở bìa rừng. Sương sớm khiến con đường đất khá nhớp nháp, trơn trượt khó đi nên mọi người tiến chậm qua từng đoạn. Lên thêm được một tầng độ cao, chúng tôi khá thích thú khi bặt gặp con suối chảy róc rách qua những hòn đá rêu xanh làm tiểu cảnh, nhìn rất đẹp mắt.

Lúc này sương mù đã giăng kín cả đại ngàn. Nhiều đoạn chỉ cách vài ba chục mét là đã không nhìn thấy nhau. Anh chàng dẫn đường Lù A Cu cho biết, cái tên Lùng Cúng được người xưa đặt theo tên bản người Mông tên Lùng Cúng ở dưới chân núi. Mỗi độ cao của núi Lùng Cúng là các tầng thực vật nguyên sinh, ấn tượng khác biệt. Từ thảo nguyên xanh mướt dưới chân núi, rồi xuyên qua rừng cây thấp, rậm rạp lên đến lưng chừng núi bắt đầu xuất hiện các tán cổ thụ lâu năm.

Ở độ cao khoảng gần 2.000m so với mực nước biển, cả cánh rừng chìm vào màn sương u tối, mờ ảo. Lúc này cánh rừng già thâm u với những thân cây gỗ quý cổ thụ xen lẫn cây dây leo chằng chịt bao quanh mọi du khách. Có cây cao vút, thẳng tắp, lẫn trong sương mù nhìn chẳng thấy ngọn lá ở đâu. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một thân gỗ lớn đổ ngang, rêu xanh bám kín. Vài du khách trong đoàn thích thú leo lên thân cây chụp hình.

Không chỉ mang vẻ thâm nghiêm, u tịch mà chúng tôi còn khám phá ra nhiều vẻ đẹp đầy sắc màu của các loại cây, cỏ trong rừng. Mùa đông nhiều loài cây rừng vào mùa thay lá. Những tán lá đỏ, lá vàng đong đưa trong sương gió thỉnh thoảng hiện ra thu hút mọi ánh nhìn. Bên gốc cây cổ thụ ngàn năm tuổi, anh bạn đi cùng đoàn gọi mọi người tới xem một loài nấm kỳ diệu bám sống ở đó. Chùm cây nấm như hàng trăm chiếc ô dù trắng nhỏ khiến ai xem cũng thích thú. Rêu xanh, nấm trắng, lá vàng, lá đỏ, hoa phong lan, địa lan… vô tình phối màu tạo ra một bức tranh sơn lâm đẹp ấn tượng.

Sau gần một ngày miệt mài leo núi, đến chiều tà chúng tôi tới được khu lán nhỏ của người Mông lập ra. Khu lán nằm giữa những cây cổ thụ, nhiều thân to vài người ôm không xuể. Lán được người Mông dựng lên để làm chỗ nghỉ chân, trú mưa gió khi đi rừng. Mấy năm gần đây lán còn phục vụ du khách leo núi nghỉ chân, ăn uống, hay ngủ lại qua đêm. Ấn tượng nhất với chúng tôi ngôi lán được làm từ những ván gỗ pơ mu được xẻ ra từ thân cây lâu năm. Trên nóc lán treo cờ đỏ sao vàng.

Sáng hôm sau, từ lán chúng tôi bắt đầu leo nốt đoạn còn lại để lên đỉnh. Bất ngờ thú vị tiếp theo khi nhóm du khách lại được lạc vào một tầng thực vật khác với loài tre, trúc bạt ngàn. Đi qua cánh rừng tre, trúc đẹp như phim trường kiếm hiệp, mọi người thực sự đã bị rừng già chinh phục bởi sự kỳ thú, hoang sơ.

Ngắm biển mây chẳng muốn về

Chúng tôi lên gần tới độ cao 2.900m so với mực nước biển, thì sương bắt đầu tan dần. Đỉnh núi quang đãng dần dần hiện ra trước mắt đoàn người. Hừng đông phía xa xa nơi cuối dãy núi thăm thẳm bắt đầu xuất hiện. Cảnh tượng đẹp nhất mà ai cũng muốn ngắm, muốn chụp lại khi ánh mặt trời dần nhô khỏi đỉnh núi, vượt trên đại dương mây.

Từng ánh hào quang tuyệt đẹp lóe lên khiến các phó nháy chụp liên hồi để bắt kịp khoảnh khắc thơ mộng. Chúng tôi đứng trên đỉnh núi nhìn về bốn hướng để tận hưởng cảnh sắc trời ban. Cả thung lũng dưới chân núi bây giờ đã biến thành biển mây hùng vĩ. Những làn sóng mây cuồn cuộn vờn núi biếc khiến cho khung cảnh đẹp vượt khỏi trí tưởng tượng của mọi người.

Đỉnh Lùng Cúng với chóp inox định vị ghi rõ độ cao ở đây 2.913m so với mực nước biển. Xung quanh chóp là bãi đất khá bằng phẳng để nhiều người có thể đứng ngắm biển trời, núi mây. Vào ngày trong trời, nếu cầm trong tay chiếc ống nhòm bạn có thể phóng tầm mắt xuống thung lũng Tà Cua Y, hay nhìn sang xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải. Thậm chí hướng nhìn ra một vùng núi non trùng điệp khác thuộc xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai).

Mặt trời đã nhô cao, nhưng đại dương mây vẫn ở đó tạo phong cảnh cho từng đoàn du khách ngắm và chụp ảnh. Gió thổi ào ào đưa những đám mây bay ngang qua người. Ai cũng phấn khích, ngỡ như mình đang bay trên mây. Một ngày, một đêm xuyên rừng ngủ núi khi lên tới đỉnh cái cảm giác sung sướng khi đã chinh phục thành công ùa về trong lòng người. Mấy phiến đá khổng lồ trên đỉnh núi trở thành chỗ ngồi vọng cảnh không thể hoàn hảo hơn. Mọi người cứ trèo lên phiến đá này, rồi lại sang tảng đá khác để chọn cho mình một cái view chụp ảnh đẹp nhất cùng mây, cùng núi.

Du khách cứ như bị níu chân mãi trên đỉnh Lùng Cúng để được tắm nắng, ngắm mây. Dù nán lại vài ba tiếng đồng hồ ở đỉnh mà nhiều người vẫn thích chơi, thích ngắm chẳng muốn về, bởi cảnh tượng như chốn tiên bồng nơi đây.

Văn Hải - Nguyễn Duy

Nguồn SGĐT: https://www.saigondautu.com.vn/chinh-phuc-dinh-nui-giua-may-troi-post100326.html