Chinh phục đỉnh Sa Mu huyền bí

Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) tuy là điểm đến khám phá du lịch khá quen thuộc, nhưng với sự chỉ dẫn của người dân bản địa, chúng tôi đến Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Xùa vẫn còn vô vàn điều mới mẻ và huyền bí. Tiêu biểu trong đó là cánh rừng già, nơi có đỉnh Sa Mu cao 2.756m huyền bí.

Từ trung tâm xã Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) chúng tôi vượt quãng đường khoảng 18km đến xã Xím Vàng. Tại đây chúng tôi được chàng trai Mùa A Tráng dẫn đường khám phá khu rừng. Có 2 con đường để chinh phục rừng già và đỉnh Sa Mu. Theo anh Tráng, nếu du khách có sức khỏe tốt có thể theo đường suối Xím Vàng độ dốc lớn nhưng nhanh tới đỉnh.

Còn lại là đi xe máy sâu vào rừng rồi leo theo con đường mòn sẽ bớt dốc, ít tốn sức hơn. Chúng tôi đã quyết định đi cả 2 phương án, lên một đường và xuống đường khác để có thể trải nghiệm tất cả vẻ đẹp, điều kỳ thú ở đây.

Sau khi vượt qua đoạn đường rậm rạp, mọi người đặt chân đến lưng chừng núi, những gốc cây cổ thụ lâu năm bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Ở độ cao khoảng 2.000m trên mực nước biển, chúng tôi bắt đầu thích thú cảnh sắc rừng già nguyên sinh. Có đoạn ngổn ngang những thân gỗ mục bám đầy rêu xanh đổ sụp xuống nền đất.

Càng tiến sâu vào khu rừng, mọi người cảm thấy như đang lạc vào một khu vườn rêu xanh, âm u huyền bí. Hàng ngàn thân cây cổ thụ, cây leo đều khoác lên mình tấm áo rêu cỏ xanh rì. Có đoạn cả một khu vực với vô số cây rêu tua tủa uốn éo như những con bạch tuộc khổng lồ đang vươn bộ xúc tu lên trời. Cảnh rừng khiến mọi người phải ngạc nhiên vì chưa được chiêm ngưỡng trong đời.

Càng vào sâu trong rừng những khung cảnh lạ mắt của thế giới rêu lại hiện ra. Dù đã đi qua vô số cánh rừng già ở Tây Bắc, Đông Bắc, nhưng cảm xúc của chúng tôi khi được khám phá rừng Sa Mu vẫn vô cùng thích thú. Ngay dưới chân du khách là thảm rêu êm ái vẫn còn đọng các giọt nước nhỏ li ti tích tụ do sương ban sớm. Được đi trên thảm rêu đặc biệt này, quả thực mang lại cho chúng tôi nhiều cảm giác lạ lẫm, thích thú. Thỉnh thoảng nhóm gặp vài cây cổ thụ đổ vắt ngang qua đầu, như một chiếc cầu với những đám rêu xanh thẫm vẫn bám đầy.

Cánh rừng như đưa du khách trở về kỷ nguyên sơ khai của thảm thực vật. Bên những gốc cây rêu cỏ thỉnh thoảng lại hiện ra vài nhánh phong lan, địa lan và các loài hoa không tên vô cùng đẹp mắt. Đi sang ngang hay men theo sườn dốc lên đỉnh núi, chúng tôi đều như không thoát được thế giới của loài rêu.

Theo Mùa A Tráng từ bao đời nay cánh rừng này vẫn mang dáng vẻ như vậy và nhiều thế hệ người Mông đi rừng vẫn chưa thể khám phá hết. Cánh rừng anh Tráng dẫn chúng tôi đi chỉ là một phần nhỏ trong đại ngàn Tà Xùa bao la, bát ngát. Những loài rêu, rêu tản và cả số ít dương xỉ, phong lan... ký sinh trên thân gỗ, trên đá. Chúng đã nhận hơi ấm, chất dinh dưỡng từ sương, mưa và không khí hay chính những mảnh vụn tích tụ xung quanh để sống. Ở Việt Nam chỉ có một số ít ngọn núi cao khí hậu quanh năm mát mẻ kiểu ôn đới như: Tà Xùa (Sơn La) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Lai Châu)… mới có khu rừng với thảm thực vật biểu sinh ấn tượng như vậy.

Thường du khách có thể leo từ 5-7 giờ sẽ tới đỉnh Sa Mu. Đỉnh núi tuy không thuộc top cao nhất miền Tây Bắc, nhưng hiện nay nơi đây đã được gắn chóp inox cập nhật độ cao 2.756m. Do dòng người đổ về Tà Xùa để nghỉ ngưỡng, săn mây, ngắm lúa chín rất nhiều, nhưng có ít người biết đến để chinh phục đỉnh Sa Mu. Chính vì thế nơi đây vẫn còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ, mới mẻ thu hút du khách đam mê phượt.

Mọi người leo lên đỉnh Sa Mu khi trời đã ngả sang trưa. Tuy nhiên xung quanh đỉnh núi biển mây vẫn đặc quánh, cuồn cuộn bao trùm cả không gian thung lũng. Giữa cái nắng xuân được ngồi trên mỏm đá ngắm nhìn núi non, phiêu diêu cùng mây trời khiến bao mệt nhọc tan biến. Cả một vùng trời bình yên, bao la miền Tây Bắc hiện ra trước mắt du khách. Bên cạnh đó, ở gần đỉnh núi trên độ cao 2.500-2.600m có một số bãi đất khá bằng phẳng, rất phù hợp cho mọi người muốn cắm trại, ngủ lại qua đêm để hôm sau đón bình minh trên núi.

Chúng tôi quyết định nghỉ chân tại khu lán của người Mông sau một ngày xuyên rừng vượt núi khám phá thiên nhiên, để hôm sau hạ sơn. Con đường xuống núi nhanh hơn lúc lên và khá dốc. Đến khoảng lưng chừng núi mọi người bắt gặp con suối Xím Vàng. Cảnh sắc bên con suối thật kỳ diệu với những phiến đá lớn rêu phong cùng tán cây rủ xuống mép nước. Nhìn từ trên cao, dòng suối như một chiếc khăn lụa trắng mềm mại uốn lượn trên màu xanh đại ngàn bao la.

Gần tới trưa mọi người đã xuống chân núi để chuẩn bị hành trình xuất phát về xuôi cùng hành trang bao kỷ niệm thiên nhiên kỳ ảo, hùng vĩ.

Nguyễn Hường-Văn Duy

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/chinh-phuc-dinh-sa-mu-huyen-bi-post103371.html