Khoa bảng dòng họ Nguyễn Quý: Hai đời Tể tướng, ba đời Đại vương
Sử liệu đăng khoa lục vùng Từ Liêm cũ cho biết, làng Thiên Mỗ xưa có tới 10 người đỗ đại khoa, trong đó nổi bật hơn cả là dòng họ Nguyễn Quý.
Cho đến nay, câu ca “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót” vẫn được nhiều người nhớ tới, để chỉ những ngôi làng của vùng Từ Liêm cũ có nhiều người thành danh và nổi tiếng trên con đường học vấn, khoa bảng.
Xếp hàng đầu là làng Thiên Mỗ (nay là phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) với nền tảng học vấn nổi tiếng xưa nay hiếm của gia đình danh sĩ Nguyễn Quý Đức.
Nền móng khoa bảng của một dòng họ
Theo dư địa chí, tổng Mỗ xưa ở Thăng Long gắn liền với câu phương ngôn nổi tiếng “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”. Đại Mỗ vốn có tên là Thiên Mỗ, đến thời Tự Đức mới đổi gọi là làng Đại Mỗ, cũng là xã Đại Mỗ.
Đại Mỗ xưa có bốn thôn: Khế Ngang, Huyền Phố, An Thái và Phú Thứ. Đến cuối thời Nguyễn, Phú Thứ được tách thành xã riêng, nhưng sau đổi thành một làng thuộc xã Tây Mỗ.
Có một con ngòi chảy qua Đại Mỗ ra sông Nhuệ, tên chữ là Tùng Khê, dân chúng gọi nôm là khe Tùng. Chảy ngang giữa làng Đại Mỗ, hai bên Tùng Khê có những gò đất tuyệt đẹp. Trên một gò đất cao ở bờ bắc Tùng Khê, tọa lạc một ngôi đình nhỏ rất đẹp làm bằng gỗ lim. Đó là Lạc Thọ Đình, do Tiến sĩ Nguyễn Quý Đức dựng khi ông về trí sĩ năm Đinh Dậu (1717).
Nguyễn Quý Đức là đời thứ 5 của dòng họ khoa bảng Nguyễn Quý thuộc làng Mỗ xưa. Ông sinh năm 1648, mất năm 1720, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, ứng khẩu linh hoạt, danh tiếng vang khắp vùng.
Sự nghiệp học hành đỗ đạt của ông bắt đầu từ khá sớm, 16 tuổi đã đỗ Hương cống, 23 tuổi vào ban Thị nội văn chương, 29 tuổi đỗ Đình nguyên Thám hoa. Khoa này không chấm đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn nên chỉ mình ông đứng tên trong bảng Tam khôi.
Là người đỗ đạt cao, kiến thức uyên bác, Nguyễn Quý Đức được bổ nhiệm làm Thiêm đô ngự sử, làm chánh sứ sang Trung Quốc (1690), rồi làm Tả thị lang Bộ Lại. Khoảng năm Chính Hòa thứ 18 (1697), ông được đề cử cùng Lê Hy Toản xem xét và sửa bộ sử cũ, rồi viết tiếp bộ “Đại Việt sử ký bản tục biên”, bao gồm lịch sử 13 năm từ đời vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671) đến đời vua Lê Gia Tông (1672 - 1675). Bộ sử của ông biên soạn ghi chép rành mạch và có những lời bàn xác đáng.
Bàn về ông, Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương” viết rằng: “Ông là người khoan hậu trầm tĩnh. Ngày thường, thù tiếp ai thì dễ dàng vui vẻ. Khi bàn luận trước mặt chúa, việc gì chưa thỏa đáng, ông có giữ ý kiến mình, bàn đến ba, bốn lần không ai ngăn được.
Ông làm văn không cần trau chuốt mà ý sâu. Triều đình có chế tác gì lớn phần lớn do tay ông thảo. Ông làm Tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu, đám hậu tiến phần nhiều do ông cất nhắc. Việc sửa sang hậu cung, dựng bia tiến sĩ đều mình ông trông coi cho đến lúc xong. Bàn đến ông thì ai cũng khen”.
42 năm làm quan trong đó có đến 10 năm làm Tể tướng, ông là một vị quan thanh liêm, công bằng, trung thực, trọng tài đức và biết chăm lo cho cuộc sống người dân, đồng thời để lại dấu ấn không nhỏ trong công cuộc trị quốc an dân, được người dân ca ngợi: Tể tướng Quý Đức, thiên hạ hưu tức (Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên vui).
Nguyễn Quý Đức là một nhà văn hóa lớn, hết sức coi trọng việc đào tạo nhân tài. Được giao trông coi Quốc Tử Giám, ông trực tiếp chỉ đạo việc lựa chọn người dạy và học, đích thân xuống nhiều trấn xem xét việc tuyển giám sinh.
Năm 1716, ông đã xin triều đình cho trùng tu, gần như xây mới hoàn toàn, khang trang bề thế hơn. Công việc phải 2 năm mới xong. Số tiền cấp ít ỏi, ông quyên góp và bỏ tiền riêng cho đủ kinh phí. Chỉ đạo trực tiếp việc dựng 21 bia tiến sĩ (trong số 82 tấm), ông chỉnh sửa nhuận sắc tất cả, chọn đá, viết bài văn đem khắc.
Năm 72 tuổi, sau ba lần dâng sớ xin về nghỉ tại quê nhà làng Đại Mỗ, ông mới được vua ân chuẩn. Hàng ngày, ông dạo chơi quanh vùng, có khi vác cuốc xuống đồng cùng nông dân, khi lại cùng các bạn văn chương cùng nhau xướng họa. Ông đã dành 10 mẫu ruộng được triều đình ban để tặng dân làng và trích ra 4 mẫu lập chợ Khánh Nguyên, tức chợ Mỗ ngày nay.
Ngày 14 tháng 5 năm Canh Tý (1720) Nguyễn Quý Đức qua đời, thọ 73 tuổi, được tặng Thái tể, truy phong Đại vương và dân xã thờ làm Phúc thần.
Hổ phụ sinh hổ tử
Nguyễn Quý Ân (1673 - 1722) là một trong ba danh nhân thuộc dòng họ khoa bảng Nguyễn Quý, con trai cả của Tiến sĩ Nguyễn Quý Đức. Năm 21 tuổi, ông đỗ Hương cống, năm 25 tuổi đỗ khoa Sĩ vọng và được tuyển vào làm Thị nội văn chức, 30 tuổi làm nội giảng ở Quốc Tử Giám.
Năm 1715, ông tham gia ứng thí đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), vào Hàn lâm viện lĩnh chức Bồi tụng, được giao viết 4 văn bia ở Quốc Tử Giám trong tổng số 21 bia mới được xây dựng năm đó. Bút pháp của ông vào hàng đầu, qua các kỳ khảo sát quan lại trong triều đình đều đạt loại nhất nên chúa Trịnh Cương giao nhiệm vụ Quốc sư dạy con trai là Trịnh Giang.
Là người chính trực, thanh liêm, cương nghị, thiện ác phân minh, ông lấy lời thẳng giúp vua, dùng học thuật kinh thư giúp chúa, văn không tô vẽ bay bướm mà giản dị tự nhiên. Ông còn có công lớn được người đời nhớ mãi, do đã cùng Vũ Công Tể đi tới nhiều nơi khuyên dân làm ruộng, trồng dâu, chiêu dụ những dân phiêu tán đi khai khẩn ruộng hoang, tạo được sự no đủ, bình an cho muôn dân. Ông còn là tác gia, để lại cho đời 2 tác phẩm lớn, là: Thiên tự văn, Tứ thư đại chú.
Đang ở tuổi 48, ông về cư tang cha rồi bị bệnh, mất ở tuổi 50 trong khi còn ấp ủ hoài bão lớn. Triều đình ra sắc chỉ định rõ: “Người giữ trọng trách Quốc sư, vua chúa đang được trông cậy, giúp rập rất nhiều thì nay không còn nữa, thật xiết bao đau xót”, truy tặng Thượng đẳng phúc thần, phong Đại vương. Các làng trong tổng Mỗ thờ là Thành hoàng.
Năm 2019, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức lễ kỷ niệm 370 năm ngày sinh Quốc lão, Đại vương, Thám hoa Nguyễn Quý Đức; 345 ngày sinh Quốc sư, Đại vương, Hoàng giáp Nguyễn Quý Ân; 325 năm ngày sinh Quốc sư Công vị Đại vương Nguyễn Quý Kính, và trao tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Ân cho dòng họ Nguyễn Quý tại di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ba đời được phong Phúc thần Đại vương
Nguyễn Quý Kính là con trưởng của Nguyễn Quý Ân, cháu đích tôn của Nguyễn Quý Đức. Năm 22 tuổi, đỗ Hương cống và được tuyển vào thị nội văn chức, rồi thăng Lễ bộ lang trung thời vua Lê Dụ Tông. Năm 40 tuổi, ông làm Thái học tự khanh, dạy em chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh, rồi giữ chức Bồi tụng.
Chúa Trịnh Giang chơi bời quá độ, sinh bệnh ốm đau cần nơi vắng vẻ để điều dưỡng. Bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ làm nhiều điều ngang trái, hãm hại đại thần, đánh thuế nặng nề, hình phạt dữ dội, khiến dân loạn lạc ly tán, nhiều người đã tập hợp lại chống nhà Chúa. Trịnh Doanh không dám quyết đoán vì danh chưa chính, ngôn chưa thuận.
Nguyễn Quý Kính đã thực hiện nguyện vọng của bà Vũ thứ phi khuyên Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, trừ hết bọn gian thần cho yên dân yên nước. Ông lại vận động đại thần chân chính phò Trịnh Doanh lên ngôi, loại trừ bè phái hoạn quan Hoàng Công Phụ. Việc lớn thành công, chỉ sau 10 ngày ông đã chỉnh đốn xong việc triều chính, được phong chức Tham tụng (Tể tướng).
Năm 65 tuổi, noi gương ông nội, Nguyễn Quý Kính xin về hưu, sau nhiều lần mới được chấp thuận. Nhưng chỉ một năm sau, vua Lê chúa Trịnh lại mời về triều xếp vào bậc Ngũ lão.
Tác phẩm của Tể tướng Nguyễn Quý Kính để lại nhiều trước tác chú giải nổi tiếng. Khi ông mất (74 tuổi), vua Lê chúa Trịnh đến khóc thảm thiết trước linh cữu, phong Đại vương, Thượng đẳng phúc thần, sắc cho các làng trong tổng Mỗ thờ làm Thành hoàng. Cũng như ông và cha, Nguyễn Quý Kính để mộ bình thường trước cửa đình thôn Giao Quang.
Nhà thờ họ Nguyễn Quý hiện ở xóm Đình, phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), được xây vào năm 1721, thờ Tam đại vương là cha con ông cháu: Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính. Trải qua ba đời, ba nhà khoa bảng họ Nguyễn Quý đã liên tiếp giữ những chức vụ trọng yếu (2 đời Tể tướng) trong triều đình Lê - Trịnh. Khi mất, ba vị đều được phong phúc thần Đại vương và thờ làm Thành hoàng làng.
Nhà thờ họ Nguyễn Quý nhìn về hướng Nam qua nghi môn và bình phong, trước mặt có 4 cây muỗm già trồng ở 4 góc ao bán nguyệt. Năm 2013, 4 cây cổ thụ này được công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”. Từ đường 7 gian, gồm 2 nếp nhà xây song song theo hình “chữ Nhị”. Dọc theo sân trước có 2 cửa ngách và 2 dãy nhà 5 gian.
Trong tả mạc có 3 tấm bia đá mang niên đại cuối thời Lê, ghi công đức: Bia ghi công tích Nguyễn Quý Đức do Hà Tôn Huấn và Nghiêm Bá Đĩnh (là học trò Nguyễn Quý Đức, đỗ Tiến sĩ 1733) cùng soạn. Bia ghi công tích Nguyễn Quý Ân do Tiến sĩ Nhữ Đinh Toản, Tiến sĩ Lê Hữu Kiều và Tiến sĩ Nghiêm Bá Đĩnh cùng soạn. Bia ghi công tích Nguyễn Quý Kính do con rể ông là Tiến sĩ Nguyễn Gia Phan soạn.
Trong hậu cung đặt các ngai thờ, lại có một ống bằng gỗ treo ở bên cạnh để đựng tranh thờ, chỉ vào ngày giỗ mới mở ra để hành lễ. Riêng cụ Nguyễn Quý Ân do mất sớm nên không có tranh thờ. Tại đây khắc ghi câu đối: Đỉnh giáp nhất môn thiên hạ hữu/ Phúc thần tam diệp thế gian vô (Một nhà khoa giáp thiên hạ từng có/Ba đời làm phúc thần chưa thấy ở thế gian).
Bức vẽ Tiến sĩ Nguyễn Quý Đức dáng người cao lớn, hiền hậu nhưng y phục như một người dân thôn quê bình dị, không đội mũ cánh chuồn, áo chầu vắt ở bên cạnh. Hàng năm, các hậu duệ dòng họ Nguyễn Quý đều tổ chức lễ Xuân tế vào ngày mùng 9 tháng Giêng. Rằm tháng Hai vào ngày hội đình, dân ba làng An Thái, Phú Thứ và Huyền Phố thường đến nhà thờ làm lễ tạ ơn, sau đó tham gia trò chơi dân gian truyền thống kéo lửa thổi xôi.
Ngoài ba vị danh tài họ Nguyễn Quý, Đại Mỗ còn nhiều người học giỏi, đỗ cao, danh lớn. Như Tiến sĩ Nguyễn Vũ đỗ khoa Giáp Tuất (1514), sau làm tới Hình bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ; Tiến sĩ Nguyễn Thế Lịch (tức Nguyễn Gia Phan) đỗ khoa Ất Mùi (1775) đời Lê Cảnh Hưng, là con rể Nguyễn Quý Kính. Ông được bổ làm Án sát Ngự sử đạo Sơn Tây, nhưng do rất giỏi làm thuốc, nhiều lần được triệu về kinh đô chữa bệnh cho chúa Trịnh.
Sau khi Quang Trung thống nhất đất nước, đã triệu Nguyễn Thế Lịch vào triều, thăng Lại bộ Thượng thư. Ngoài các nhà đại khoa tiêu biểu, Đại Mỗ còn có 22 người đỗ cử nhân và nhiều người đỗ tú tài, xứng với câu ca “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót”.