Chinh phục kỹ thuật đỉnh cao ghép tạng: Níu giữ, hồi sinh những cuộc đời
Ca phẫu thuật ghép phổi cho cô gái trẻ P.A.T. (21 tuổi, quê ở Bắc Kạn) đúng ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua là một kỷ niệm đáng nhớ đặc biệt đối với đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng và thầy thuốc Việt Nam nói chung.
Ca ghép phổi hồi sinh sự sống cho cô gái trẻ P.A.T. thêm một lần nữa khẳng định trình độ, tay nghề của các y bác sĩ Việt Nam trong việc chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao ở lĩnh vực ghép tạng. Thật ý nghĩa và tự hào khi đây là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng và thầy thuốc Việt Nam nói chung.
Hơi thở hồi sinh kỳ diệu
Nếu không có lá phổi ghép, có lẽ cô gái P.A.T. chỉ có thể duy trì sự sống được vài tháng nữa. Rất may mắn, bệnh nhân đã nhận được lá phổi tuyệt vời từ người hiến. Món quà ngày cuối cùng của năm cũ cũng là món quà đầu năm mới, là tương lai rộng mở cho cô gái trẻ.
Chia sẻ về ca ghép phổi thành công, bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa - Phó trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, ekip phẫu thuật đã “thở phào” khi chỉ sau hơn 10 giờ đồng hồ ghép, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và tự xúc sữa uống. Quá trình theo dõi hậu phẫu nghiêm ngặt từ ngày thứ 2, ngày thứ 3, cho đến hiện tại đã là ngày thứ 5, các thông số về huyết động, về trao đổi oxy, chỉ số viêm của bệnh nhân đều rất an toàn.
Bệnh nhân nhận tạng là cô gái trẻ P.A.T, là sinh viên của một trường đại học nhưng phải bỏ giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối, người bệnh phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh nhân không may mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi.
Người bệnh đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020, và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.
Ngày 8/2/2024 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực bệnh viện trực tiếp tham gia, đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội...
Vào đúng ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nữ bệnh nhân trẻ đã được Bệnh viện Phổi Trung ương cùng các chuyên gia về tim mạch thực hiện thành công ca ghép 2 lá phổi từ người cho là nam thanh niên 26 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông.
Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ. Đó là 12 giờ căng trí, căng sức để níu giữ sự sống, để hồi sinh một cuộc đời. Và 12 giờ sau mổ, cô gái 21 tuổi đã tỉnh và tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và thầy thuốc trong ngày đầu năm mới.
Hơi thở hồi sinh kỳ diệu ấy cũng dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng và thầy thuốc Việt Nam nói chung. Với những thành công này, Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, chương trình ghép phổi của Việt Nam sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới.
“Ca ghép thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế của Trung tâm ghép phổi UCSF - một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ” - TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ.
Trước đó, Bệnh viện Phổi Trung ương đã từng thành công phối hợp với nhiều bệnh viện khác thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi, trong đó có ca bệnh ghép 2 lá phổi cho người đàn ông 56 tuổi, ở Thanh Hóa, được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam với thời gian sống lâu nhất.
Nối dài sự sống cho hơn 8.300 người
Ở Việt Nam, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội.
Nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan và trở thành đơn vị có số ca ghép gan trẻ em nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm Ngoại tổng hợp đã phẫu thuật thành công 17 trường hợp ghép gan từ người cho sống cùng huyết thống cho bệnh nhi bệnh gan mạn giai đoạn cuối, cân nặng thấp.
Ngoài ra, theo Bệnh viện Nhi trung ương, tính đến tháng 1/2024, đơn vị đã thực hiện 56 ca ghép gan cho trẻ. Đây là bệnh viện có số lượng ca ghép gan cho trẻ em lớn nhất cả nước. Các ca ghép gan trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo.
Điển hình, ngày 18/10/2023, ca ghép gan trẻ em thứ 50 của Bệnh viện Nhi Trung ương cho bệnh nhi G.H. (3 tuổi) đã được thực hiện thành công tốt đẹp.
Ca phẫu thuật diễn ra với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa Gan mật, Ngoại tổng hợp, Gây mê, Điều trị tích cực Ngoại khoa, đơn vị xét nghiệm cận lâm sàng, Ngân hàng máu, Chẩn đoán hình ảnh…
Sau 9 giờ tập trung cao độ, ekip phẫu thuật đã ghép gan cho bé thành công trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình bệnh nhi và y bác sĩ của Trung tâm. Bởi vì mới chỉ vài năm trước đó thôi, phẫu thuật ghép gan cho trẻ em dường như vẫn còn là một khó khăn, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua.
Trong những ca ghép kể trên, bệnh viện đã thực hiện các ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như bất đồng nhóm máu, nhiễm khuẩn huyết, ung thư gan, bệnh lý di truyền…, đặc biệt là ghép gan cho bệnh nhi có cân nặng thấp. Ca ghép gan cho trẻ có cân nặng thấp nhất là 5,6 kg.
Việc các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ kỹ thuật ghép gan không chỉ có ý nghĩa cứu sống người bệnh, mà còn khẳng định quyết tâm của bệnh viện trong việc phát huy thế mạnh tập thể, tập trung phát triển kỹ thuật cao phục vụ sứ mệnh khám, chữa bệnh cho trẻ em với chất lượng tốt nhất.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình mỗi năm, đơn vị có thể thực hiện khoảng 200 - 300 ca ghép tạng. Trong khi đó, tại bệnh viện cũng có khoảng 300 ca tử vong do chấn thương sọ não mỗi năm. Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác.
TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, thời gian tới, bệnh viện sẽ triển khai thực hiện các kỹ thuật ghép tạng mới như: Ghép khí quản, ghép van tim, tách đôi gan hiến để mỗi người nhận 1/2 gan ghép nhằm giúp được nhiều người bệnh hơn.
Hiện, Việt Nam có 25 cơ sở y tế thực hiện ghép tạng. Tính đến ngày 31/12/2023, nước ta đã thực hiện được 8.302 ca ghép tạng. Về kỹ thuật ghép tạng, nước ta đi sau thế giới nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép tạng cũng tăng dần.
Dù kỹ thuật đã có nhưng điều khiến người thầy thuốc luôn day dứt đó là không đủ nguồn tạng để cứu chữa thêm nhiều người bệnh. Theo các chuyên gia y tế, các ca ghép chính vẫn từ nguồn hiến sống (chiếm tỷ lệ hơn 95%). Trong khi, tỷ lệ ghép tạng từ người hiến chết não còn rất thấp, chiếm chưa đầy 5% tổng số ca ghép.
Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim… Thời gian qua, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Việt Nam có hơn 1.500 cơ sở y tế, nhưng không phải cơ sở nào cũng đủ khả năng để chẩn đoán nguy cơ chết não của người bệnh. Trong khi, ở nước ta, vẫn còn nhiều người băn khoăn, tâm tư về hiến tạng khi chết não. Hiện trong danh sách chờ ghép quốc gia đang có hơn 5.000 ca đang chờ ghép.
Theo các chuyên gia y tế, với việc làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam cần có thêm nhiều nguồn tạng hiến, các cơ sở y tế phát triển kỹ thuật cấy ghép mô tạng đạt tiêu chuẩn quốc tế để cứu sống được nhiều người bệnh đang ngày đêm chờ đợi.
Những năm qua, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có 107 ca chết não hiến tạng, chiếm tới 70% số ca chết não hiến tạng trên cả nước. Tại Việt Nam, với dân số khoảng 100 triệu dân, mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tương đương tỷ lệ người chết não hiến tạng là 0,1/1 triệu dân - nằm trong số các nước có tỷ lệ thấp nhất thế giới. Con số này ở Hàn Quốc là 11/1 triệu dân. Đây cũng là quốc gia có tỷ lệ người chết não hiến tạng cao nhất châu Á.