Chinh phục thị trường Trung Quốc khó tính bằng con đường chính ngạch

Trong thời gian qua, sự thay đổi của thị trường Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp chế biến nông sản nói riêng phải có cách tiếp cận mới.

Nhằm thảo luận về những thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam và lắng nghe những người trong cuộc chia sẻ kinh nghiệm chinh phục thị trường đã không còn dễ tính này, báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc”.

Tại tọa đàm, chia sẻ về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng nông sản Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết: Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của Trung Quốc nên dư địa thị trường còn lớn.

 Trang trại bò sữa Organic Dairy Farm của TH Truemilk.

Trang trại bò sữa Organic Dairy Farm của TH Truemilk.

Vừa qua, Trung Quốc cho phép nhập khẩu sữa tươi Việt Nam, tuy nhiên phía Trung Quốc yêu cầu đánh giá rủi ro rất khắt khe, từ giám sát mối nguy chế biến, đưa ra sản phẩm cuối cùng. Các quy trình đó Trung Quốc áp dụng như các nước phát triển Mỹ và EU. Các nhà máy phải bảo đảm các yêu cầu vệ sinh, quy trình tránh lây nhiễm chéo sản phẩm. Do đó, mới có sữa tươi của TH True milk được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng nước này cũng đang xem xét các doanh nghiệp khác, quá trình có thể mất thêm một thời gian nữa. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện không chỉ áp dụng với sản phẩm thực vật, mà các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi Trung Quốc đều giám sát thông qua các quy định rất chặt chẽ về vấn đề này.

Để doanh nghiệp chế biến nông sản và nông dân có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường cũng như sự chuyển hướng chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng: Trước hết, phải xây dựng được chuỗi liên kết. Chỉ khi đứng được vào chuỗi giá trị, chuỗi liên kết thì mới bước chân vào chuỗi cung ứng để thúc đẩy xuất khẩu ra thế giới, trong đó có Trung Quốc. Trong đó, doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt.

Đồng thời, phải xây dựng tổ chức kinh tế của nông dân vững mạnh, thật sự chất lượng chứ không phải hình thức. Thống kê cho thấy hiện có hơn 50% HTX hoạt động hiệu quả, nhưng thực tế có bao nhiêu HTX đã bước được vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng? Rõ ràng, nếu tổ chức kinh tế của nông dân còn yếu thì không thể tập hợp được nông dân, không thể đoàn kết và huấn luyện được người nông dân trở thành những nông dân chuyên nghiệp. Khi người nông dân không thể trở thành người lao động chuyên nghiệp thì đừng nói đến chuyện đứng trong chuỗi giá trị!

Về chính sách của Nhà nước, phải có sự khẩn trương cao nhất về vấn đề đất đai. Đất đai là tài sản của quốc gia, bây giờ hãy trao lại cho những người có năng lực tổ chức nhất, người ta sẽ tạo ra giá trị sinh lời cao nhất. Tất cả những người nông dân sẽ trở thành một hộ trong một khâu, một quy trình trong sản xuất đó.

Ông Thủy nhấn mạnh việc phải xây dựng doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không có chuyến tàu dẫn dắt (là những doanh nghiệp đầu đàn) thì đó chỉ là những chuyến xe cút kít để chở hàng nông sản của chúng ta ra thế giới. Và khi đó sẽ bị những chuyến tàu lớn hất văng ra bên ngoài.

Còn đại diện doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn TH mong muốn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành cùng Chính phủ để hành trình con đường không chỉ chinh phục thị trường đông dân nhất mà còn là các thị trường tiềm năng khác, với khát vọng đưa ly sữa tươi sạch Việt vươn xa thế giới. Ngoài ra, Chính phủ có những quy chuẩn, quy định quốc gia về các mặt hàng nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi, khi có tiêu chuẩn rồi thì chúng ta sẽ tự tin đưa sản phẩm của mình vươn tầm quốc tế.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT

Để hỗ trợ nông sản Việt Nam tiếp cận được thị trường khó tính này, theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông, Bộ NN&PTNT cho biết: Hiện tại Bộ đang đề nghị các đơn vị triển khai theo thứ tự các mặt hàng nông sản Việt Nam ưu tiên và sắp tới đối với thị trường Trung Quốc chúng ta chuẩn bị có tới 3 sản phẩm được đưa qua là khoai lang tím, thạch đen, sầu riêng. Đây là tín hiệu nỗ lực của Bộ NN&PTNT trong thời gian vừa qua phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro. Trong năm tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, trong thời gian tới, ông Hòa mong muốn Quốc hội có những ưu đãi cho ngành nông nghiệp trong việc đầu tư các chương trình, đặc biệt là những chương trình trọng điểm, xây dựng những chương trình giám sát. Cụ thể như thủy sản, cần có những chương trình giám sát dịch bệnh đối với các loài nhiễm thể hay các loại cá da trơn, tôm, cua…

Bởi tất cả các chương trình giám sát này là mấu chốt trong vấn đề đánh giá tương đương giữa các cơ quan quản lý của bên nhập khẩu với nước xuất khẩu để chúng ta có chìa khóa mở cửa vào thị trường của họ. Do vậy, hỗ trợ của các cơ quan quản lý như Tổng cục Thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi trong hoàn thiện kể cả hệ thống kiểm nghiệm, giám sát an toàn thực phẩm… cần phải tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới.

Đồng thời, ông Hòa cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên xây dựng tiêu chuẩn của riêng mình. Tiêu chuẩn có thể cao hơn tiêu chuẩn trong nước để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường mà bản thân doanh nghiệp đang phấn đấu đưa sản phẩm của mình vào.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-quan-ly/chinh-phuc-thi-truong-trung-quoc-kho-tinh-bang-con-duong-chinh-ngach-6519.html