Chính quyền 2 cấp thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP như thế nào?
Theo ý kiến các bộ ngành và các địa phương, việc giao cấp xã đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chỉ nên thực hiện nếu địa phương đáp ứng đủ năng lực cán bộ, tổ chức và kinh nghiệm thực tiễn (như Thành phố Hồ Chí Minh), trong khi các địa phương khác tiếp tục giữ ở cấp tỉnh, hoặc thực hiện ủy quyền cho sở chuyên môn.
Sáng 4/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến đối với đề xuất sửa đổi Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sản phẩm OCOP cần được nhìn nhận như một thương hiệu quốc gia. Về thẩm quyền đánh giá, Phó Thủ tướng thống nhất quan điểm sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên nên do cấp tỉnh thực hiện đánh giá. Trong trường hợp phân cấp cho xã, các địa phương phải có đề án riêng, đảm bảo điều kiện, kiến thức và cơ chế phối hợp trong đánh giá sản phẩm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: sản phẩm OCOP cần được nhìn nhận như một thương hiệu quốc gia. Ảnh: TG
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và địa phương xây dựng Chương trình OCOP bài bản, có tầm nhìn dài hạn, hội tụ đủ các yếu tố như chất lượng cao, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng, có quy mô thị trường, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, áp dụng chuyển đổi số và công nghệ thương mại điện tử.
“Sản phẩm OCOP phải mang thương hiệu Việt Nam, được bảo vệ và quảng bá bằng chính sách phù hợp. Mỗi sản phẩm cần có câu chuyện riêng, gắn với văn hóa, lịch sử, vệ sinh an toàn thực phẩm, khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng hàng nghìn sản phẩm Việt Nam đặc thù, khác biệt, đạt chuẩn quốc tế và chinh phục thị trường toàn cầu”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Trần Thanh Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 16.855 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 76,2% là sản phẩm 3 sao, 22,7% là 4 sao và 126 sản phẩm đạt 5 sao - được công nhận là sản phẩm quốc gia.
Sản phẩm OCOP không chỉ góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy tri thức bản địa. Nhờ bộ tiêu chí rõ ràng và quy trình đánh giá chặt chẽ, các sản phẩm OCOP ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thân thiện môi trường và phù hợp với thị trường trong nước, quốc tế.
Nhằm đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao (trước đây thuộc thẩm quyền cấp huyện), Bộ NN&MT kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định 148 theo hướng chuyển nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh thực hiện.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà điều hành cuộc họp về OCOP
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cho rằng, việc giao quyền về cấp xã chỉ nên thực hiện nếu địa phương đáp ứng đủ năng lực cán bộ, tổ chức và kinh nghiệm thực tiễn (như Thành phố Hồ Chí Minh), trong khi các địa phương khác tiếp tục giữ ở cấp tỉnh, hoặc thực hiện ủy quyền cho sở chuyên môn, đảm bảo linh hoạt nhưng không buông lỏng chất lượng.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng bày tỏ ủng hộ phương án giao thẩm quyền đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao cho cấp tỉnh, bởi đây là hướng đi phù hợp để bảo vệ uy tín và giá trị của thương hiệu OCOP - vốn được định vị là thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, dù có phân cấp hay không, việc ban hành tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP cần được thực hiện theo cách tiếp cận dài hạn, có căn cứ pháp lý rõ ràng, tiêu chí minh bạch và hướng dẫn đầy đủ nhằm tránh tình trạng “vừa làm, vừa điều chỉnh” cũng như đánh giá cảm tính, thiếu nhất quán.
“Ba sao mà được tỉnh công nhận là mừng lắm. Có thể vất vả một chút nhưng phải chấp nhận để nâng giá trị sản phẩm”, ông Hồ Xuân Hùng nói.