Chính quyền cấp phép cho dân lấp, lấn dòng sông Lô ?

Dựa vào một văn bản cho phép san gạt mặt bằng của UBND TP Hà Giang, Đoàn xe chở đất thuê cho bà Nguyễn Thị Thanh Loan, trú tại thôn Cầu Mè đã ngang nhiên đổ thải ra phía ven dòng sông Lô, lấn chiếm bờ sông, đổ đất tạo mặt bằng.

Việc làm này diễn ra suốt mấy tháng trời đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng sông, thu hẹp dòng sông Lô và có nhiều biểu hiện ăn cắp cát, đất ở đây. Ai chống lưng cho nạn đổ đất thải lấn bờ sông, thu hẹp dòng chảy và kiếm lợi bất chính. Vi phạm nghiêm trọng các pháp lệnh về đê điều, bảo vệ môi trường…

Có mặt tại hiện trường, phóng viên quan sát thấy: những ý kiến tố cáo của nhân dân xã Phương Thiện là có cơ sở. Quả đồi của nhà bà Nguyễn Thị Thanh Loan là đất đồi trồng cây. Nhưng gia đình bà này đã thuê doanh nghiệp Thủy Trung đến dùng máy xúc, ô tô chở đất đá đổ cả nghìn m3 xuống dòng sông Lô. Quan sát kỹ sẽ thấy, phút chốc cả 2 bên đường đều có 2 mặt bằng rất lớn. 1 mặt bằng bên phía bờ sông Lô do lấn ra, và 1 mặt bằng do khoét núi.

Trao đổi với phóng viên, ông Kiều Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Phương Thiện cho biết: Việc xúc đất thải và đi đổ bừa bãi này, nhân dân đã kiến nghị nhiều lần lên UBND xã về những việc như đổ linh tinh, san lấp chỗ nọ, bồi đắp chỗ kia. Cả khu vực Bến xe cũng do san gạt. Phía xã đã đề nghị đội quản lý đô thị của TP Hà Giang nhiều lần về những kiến nghị trên. Nhưng cấp xã chỉ có hạn.

Còn ông Vũ Trọng Oanh, Phó chủ tịch UBND xã Phương Thiện, người phụ trách lĩnh vực xây dựng, tài nguyên môi trường thì cho biết: Việc gia đình bà Loan xúc đất là dựa trên quyết định cho phép thi công của UBND TP Hà Giang, và ông Oanh cung cấp cho phóng viên một bản giấy phép đó để minh chứng.

Trao đổi với phóng viên, Bà Lường Thị Ly, nhà ở xã Phương Thiện bất bình cho biết: chẳng hiểu cơ quan chức năng nào cho phép mà họ “táo tợn” vậy. Hàng nghìn khối đất đã được xúc dọn từ phía nhà bà Loan, ngay khu vực cầu Mè và đổ sang mé tiếp giáp bờ sông Lô. Lúc đầu đổ ít, sau lấn dần, lấn dần, lấp tràn xuống sông, lấn ra đến mấy chục mét mà cũng chẳng có ai can thiệp. Hậu quả, dòng sông Lô vốn dĩ đã nhỏ hẹp, nay lại bé tẹo đi. Đất, đá đổ xuống, lại bồi lấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, thiên nhiên. Nhân dân cả xóm cầu Mè đều phẫn nộ, nhưng chả biết kêu ai. Hậu quả, “cha chung không ai khóc”, chị Ly chia sẻ

Qua điều tra, chúng tôi được biết các đối tượng san lấp mặt bằng nói trên đã dựa vào “tấm bùa” mang số 511, ký ngày 13/8/2015, do ông Vũ Văn Nên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Giang ký. Để rồi từ cái giấy phép thi công này, các đối tượng đã xúc hàng ngàn m3 đất đi san lấp mặt bằng ở khắp nơi. Một hình thức hợp thức hóa khai thác tài nguyên đất “trá hình”, trái với các quy định về khai thác mỏ đất.

Hậu quả, đất thải đổ tràn xuống sông Lô trước sự vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Bất chấp hậu quả sẽ ra sao, khi dòng chảy bị thu hẹp.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Thanh, đoàn luật sư Hà Nội phân tích: Luật đê điều, luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản có các quy định rất rõ. Vậy tại sao lại vẫn để cho doanh nghiệp và dân lấn dòng sông? Bài học dự án sông Đồng Nai vẫn còn, mà lãnh đạo TP Hà Giang vẫn “nhắm mắt” cho doanh nghiệp san gạt mặt bằng ven sông là có vấn đề. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hiện trạng vụ xúc gạt đất đi san lấp làm ảnh hưởng đến sông Lô

Văn bản do Phó chủ tịch UBND TP Hà Giang

Ông Vũ Trọng Oanh, Phó chủ tịch UBND xã Phương Thiện

Đức Hải – Nam Long

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/chinh-quyen-cap-phep-cho-dan-lap-lan-dong-song-lo.html