Chính quyền đô thị: Bộ máy tinh gọn, người dân đồng thuận
Sau gần 3 năm thực hiện thí điểm mô hình này, công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục ổn định và phát triển. Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị được người dân đồng thuận, tạo sức bật mới; Tính năng động trong điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân được nâng lên, nhất là người đứng đầu UBND quận, phường.
Kể từ ngày 01/7/2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội. Theo đó, quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân được thực hiện thông qua các kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND thành phố, các Ban, Tổ Đại biểu, Đại biểu HĐND thành phố; UBMTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và đặc biệt là sự phản ánh của Tổ dân phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Việc tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch quận, phường với Nhân dân được thực hiện thường xuyên, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân. Qua đó, Chủ tịch quận, phường đã trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị từ cơ sở, kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.
Ông Phan Văn Trinh, cán bộ hưu trí ở đường Chính Hữu, quận Sơn Trà nhận xét: “Bây giờ không còn HĐND quận, phường nữa thì có mấy cái kênh đó là kênh Đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố. Nếu như họ về làm việc thì chúng tôi có thể phản ánh lên đó là một, như tiếp xúc cử tri. Kênh thứ hai là thông qua Mặt trận. Kênh Mặt trận ở đây có mấy tổ chức thành viên như Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… Thông qua kênh Mặt trận để chúng tôi đề đạt nguyện vọng của mình, ý kiến của mình”.
Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố Đà Nẵng không còn HĐND quận, phường. Vì vậy, HĐND thành phố Đà Nẵng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động, phù hợp với đặc điểm của mô hình chính quyền đô thị. Khi thực hiện mô hình này, các công chức phường thuộc biên chế công chức quận, liên thông trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý đã tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp, tạo sự chủ động trong công tác cán bộ giữa quận, phường và ngược lại.
Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, quận rất chủ động trong công tác tổ chức biên chế, điều động, luân chuyển cán bộ: “Trong công tác tổ chức biên chế, công chức quận, phường đều liên thông là công chức quận. Vì vậy, quận rất chủ động trong việc điều động, luân chuyển cán bộ từ phường đến quận và từ quận đến phường. Có những cán bộ, công chức ở phường nổi trội được đánh giá cao, phù hợp với vị trí việc làm thì quận điều lên quận thông qua thẩm định của Phòng Nội vụ. Chứ trước đây việc điều động mất rất nhiều thời gian bởi phải chờ ý kiến của Sở Nội vụ. Ngược lại, những cán bộ, công chức quận không đảm bảo được vị trí việc làm của quận thì chúng tôi điều về phường. Việc này rất thuận lợi cho địa phương”.
Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn. Việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của UBND thành phố, quận, phường bảo đảm sự ổn định và phát triển. UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành “Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2026”. Đến nay, có 91 nội dung phân cấp, ủy quyền với tỷ lệ 100% đã triển khai hiệu quả. Việc phân cấp, ủy quyền mang lại kết quả tích cực; tạo sự linh hoạt trong thực thi công vụ, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Kết quả khảo sát mới đây cho biết, gần 2/3 số cán bộ, công chức, viên chức các cấp cho rằng, tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành từ UBND thành phố đến UBND quận và UBND phường đều tốt hơn trước.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng nhận định: “Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 119 của Quốc hội và Nghị định 34 của Chính phủ thì có thể nói là mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều điểm tích cực. Về phía Hội đồng Nhân dân thành phố thì tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt là mở rộng đối tượng và phạm vi giám sát, tăng cường nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc và giám sát đến tận cấp phường về những hoạt động phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh; góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân cũng như nâng cao chất lượng của đại biểu Hội đồng Nhân dân trong thời gian qua”.
Kết quả khảo sát cho thấy, sau gần 3 năm thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, người dân và cán bộ đánh giá mô hình này phù hợp với xu hướng phát triển.
Ông Đặng Huy Thịnh, ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho biết: “Cán bộ Tư pháp trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ và trả hồ sơ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ một cửa của UBND phường, giảm được thời gian cho công dân khỏi phải chờ đợi khi đến giải quyết thủ tục hành chính hồ sơ sao y bản chính, chứng thực chữ ký của bộ phận tư pháp”.
“Việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị có những nội dung mới và hoàn thiện hơn như điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ; về cơ chế làm việc; về chế độ công vụ đối với công chức phường. Và đặc biệt là các quy định về quyền làm chủ của Nhân dân tại cơ sở khi không còn HĐND quận, phường”, bà Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2, quận Hải Châu nói.
Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng là một chỉ tiêu được đánh giá khá tốt. Bộ máy cơ quan hành chính tinh gọn hơn, phát huy được vai trò chủ động của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ”.
Nói về kết quả thực hiện mô chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, với việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền (có HĐND và UBND) ở cấp thành phố đã bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong việc quyết định các vấn đề về quản lý đô thị, quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội; hạn chế được tình trạng chia cắt, phân tán, manh mún trong quản lý nhà nước ở khu vực đô thị.
Mô hình này đã phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ thành phố xuống phường theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt; đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường, giảm khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, việc thực hiện cơ chế thủ trưởng hành chính ở UBND quận và phường đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính để kịp thời xử lý những vấn đề cấp bách trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở quận và phường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng đã tạo được niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp: “Kết quả thực hiện Nghị quyết 119 đã có khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, có mức tăng trưởng bứt phá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của thành phố. Chúng tôi có một ấn tượng, thành phố luôn luôn đi đầu, tiên phong trong đổi mới và cải cách, rất năng động và đổi mới. Thành phố xây dựng được niềm tin đối với doanh nghiệp, người dân, đây cũng là bài học kinh nghiệm thời gian sắp tới”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 119 năm 2020 của Quốc hội “về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng” đã đạt những kết quả tích cực, bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu quả, thông suốt hơn, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” chưa đạt như kỳ vọng, thiếu những cơ chế, chính sách đặc thù có tinh đột phá để thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn. Quá trình thực hiện Nghị quyết 119 cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập.
- Sau gần 3 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng đã tiết kiệm giảm chi ngân sách cho hoạt động của HĐND phường khoảng 35,7 tỉ đồng/năm; tinh giản biên chế 69 người là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.
- 6/6 quận và 45/45 phường tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND quận, phường với Nhân dân và công khai kết luận cuộc họp liên quan đến người dân trên Cổng thông tin điện tử của UBND quận, phường.
- Chủ tịch UBND quận đã tổ chức 48 cuộc đối thoại với gần 5 ngàn người tham gia (cả trực tiếp và trực tuyến); Chủ tịch UBND phường tổ chức 169 cuộc đối thoại với gần 15.500 ngàn người tham gia
- Ban Thường trực UBMTTQVN và đoàn thể chính trị- xã hội các cấp của thành phố Đà Nẵng đã triển khai hoạt động giám sát với 246 chuyên đề và 340 cuộc giám sát riêng.