Chính quyền đô thị: Phải nghĩ khác!

Sự thành công không nằm ở việc có được một mẫu chính quyền đô thị hoàn hảo mà là ở cách vận hành bộ máy

TP HCM chính thức tái khởi động đề án chính quyền đô thị sau nhiều năm im ắng khi mới đây, Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TP HCM được thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Từng chính thức trình lên trung ương đề án chính quyền đô thị vào năm 2014 nhưng không được thông qua, giờ đây, TP HCM vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình này.

Cần chiến lược rõ ràng

Ông Nguyễn Văn Đầy, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ TP HCM, cho biết điểm khác biệt lớn nhất trong lần này là TP HCM xin chủ trương trước. Nếu được Bộ Chính trị đồng thuận mới bắt tay xây dựng đề án cụ thể, chi tiết. Hơn nữa, lần này trong đề án sẽ chỉ còn một TP vệ tinh phía Đông gắn liền với khu đô thị sáng tạo ở quận 2, 9 và Thủ Đức thay vì 4 như trước đây.

Việc chọn hướng đột phá về khu đô thị sáng tạo phía Đông là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Việc chọn hướng đột phá về khu đô thị sáng tạo phía Đông là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cách làm này của TP HCM được nhiều chuyên gia ủng hộ. Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, nhìn nhận một đề án quá lớn sẽ tạo ra nhiều áp lực và lo lắng. Một nền hành chính đột ngột có sự thay đổi lớn sẽ khó tránh khỏi sự không đồng thuận, gặp nhiều lực cản. Chính vì vậy, ông Sơn cho rằng việc chọn hướng đột phá về khu đô thị sáng tạo phía Đông để định hướng tổ chức lại đơn vị hành chính TP thuộc TP là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đồng tình, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn nhận xét chính quyền đô thị với mô hình TP trong TP là chủ trương đúng, một định hướng tốt về mặt đô thị. "Theo kinh nghiệm quốc tế, những vùng đô thị trên thế giới thì quy mô không lớn. Nguyên tắc quản lý đô thị, quy mô TP nhỏ, vừa thì chất lượng sống cao hơn TP có quy mô quá lớn. Những TP nhỏ, vừa sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân, hơn nữa sẽ giữ gìn được bản sắc của khu đô thị đó như di sản, kinh tế tài chính, công nghiệp..." - KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Để thực hiện thành công mô hình trên, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, cần có sự rõ ràng về mặt cơ chế. Tức là những TP trong TP sẽ có bộ máy, hướng phát triển, nền tảng pháp lý phù hợp nhưng vẫn theo định hướng, chiến lược chung của siêu đô thị. Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa TP nhỏ với TP lớn. Ông nhìn nhận: "Khu đô thị phía Đông hiện vẫn chưa hình thành mà ở dạng đang phát triển. Nó đang là một dự án chứ chưa là TP. Do đó, trước hết là phải có một chiến lược phát triển khu phía Đông hoàn chỉnh về cơ cấu dân cư, hạ tầng kỹ thuật lẫn xã hội".

Thay đổi cách vận hành bộ máy

Trong đề án lần này, TP HCM đề xuất xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, TP thuộc TP và phường, xã, thị trấn). Cùng với đó là việc không tổ chức HĐND ở quận, huyện, TP thuộc TP HCM, phường, xã, thị trấn, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Ông Lê Hoài Trung, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho rằng thực tế đã chứng minh sự hiệu quả của việc bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường. Cách đây 10 năm, TP HCM là 1 trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội khóa XII có hiệu lực vào ngày 1-4-2009. Cũng theo ông Lê Hoài Trung, đây là chủ trương phù hợp với thực tế của TP, được người dân TP đồng tình cũng như sự thống nhất của các ngành, các cấp. Hơn nữa, việc thí điểm giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan. Khi buộc tái lập lại HĐND cấp huyện, quận, phường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã làm bộ máy hành chính TP thêm cồng kềnh khi tăng hơn 8.000 biên chế.

Ủng hộ việc không tổ chức HĐND ở quận, huyện, TP thuộc TP, phường, xã, thị trấn song ông Diệp Văn Sơn cho rằng phải bảo đảm quyền làm chủ của người dân, cử tri ở những nơi này. Để làm được điều đó, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là mặt trận phải được củng cố, phát huy thông qua việc tăng cường và đẩy mạnh hoạt động giám sát của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP, HĐND TP. Bên cạnh đó, các tổ chức trên cũng phải tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của UBND huyện, quận, phường, xã, thị trấn, nhất là tập trung vào những vấn đề người dân đang bức xúc.

Nhìn rộng hơn, ông Diệp Văn Sơn nêu quan điểm: "Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, để thay chiếc áo quá chật cần phải tìm ra chiếc áo phù hợp hơn là mặc vội vàng một chiếc áo mới rồi chỉnh sửa, thêm bớt cho vừa vặn. Sự thành công không nằm ở việc có được một "mẫu" chính quyền đô thị hoàn hảo mà ở cách vận hành bộ máy". Do đó, phải đặc biệt chú trọng nguồn lực con người. Bởi đây là yếu tố quyết định mức độ thành công và hiệu quả của mô hình mới về quản lý hành chính nhà nước. Trước khi triển khai áp dụng mô hình chính quyền đô thị thì TP HCM cần phải tổ chức đào tạo và chuẩn bị sẵn lực lượng nhân sự phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu và nhiệm vụ mới, có những lối tư duy và cách làm việc mới, gần dân hơn nữa...

Phân cấp chứ không "bán cái"

Ông Diệp Văn Sơn cho rằng TP HCM đã được trung ương cho thực hiện Nghị quyết 54. Tuy nhiên, việc thực hiện phân cấp theo Nghị quyết 54 là giải pháp tình thế khi chỉ thực hiện trong giai đoạn ngắn vài năm; chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản là đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy chính quyền TP cho phù hợp xu thế phát triển của đô thị; chưa tạo sự phối hợp đồng bộ về quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành với TP trong nhiều lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.

Do đó, việc mở rộng sự phân cấp cho chính quyền TP trên một số lĩnh vực theo đề án chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện thuận lợi để TP chủ động, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tăng các khoản đầu tư cho TP. Ông cũng lưu ý phân cấp chứ không "bán cái", "phủi tay" mà không có sự giám sát của cấp trên.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chinh-quyen-do-thi-phai-nghi-khac-20191114210709352.htm