Chính quyền giám sát vụ tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2

Thân nhân phối hợp cùng chùa và chính quyền địa phương tìm ra hướng giải quyết để xác định lại những hũ tro cốt là của thân nhân người nào.

Những ngày qua, thông tin về vụ việc các hũ tro cốt, di ảnh người mất bị xáo trộn tại chùa Kỳ Quang 2 nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Sáng 3-9, nhiều người là thân nhân của những hũ tro cốt đến chùa Kỳ Quang 2 yêu cầu chùa giải quyết chuyện này. Đồng thời, họ cũng đã gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng để yêu cầu xử lý trách nhiệm những người liên quan.

Trưa cùng ngày, Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2, đã tổ chức cuộc họp với thân nhân của những người có hài cốt gửi trong chùa để thông tin về vụ việc.

Tại cuộc họp, Thượng tọa Thích Thiện Chiếu nhận trách nhiệm.

Theo ghi nhận của PV, sáng 4-9, trước cổng chùa có dán biên bản kiểm đếm tro cốt tại chùa được thực hiện vào chiều 3-9. Trong chùa có một số thân nhân đến để nắm tình hình và yêu cầu chùa cho nhận tro cốt về.

Tại cổng ra vào chùa có một cán bộ phường tiếp nhận những thông tin của người dân liên quan đến vụ việc trên.

Thân nhân gửi tro cốt nêu cách xử lý

Sau một ngày bình tâm lại, anh Trần Văn Dũng (TP.HCM) có gửi tro cốt người thân vào chùa Kỳ Quang 2, nói: “Tôi mong mọi người hãy bình tĩnh cùng nhau tìm ra một phương án tốt nhất để xác định chính xác các hũ tro cốt của người thân mình.

Hiện tại nơi cất giữ hũ tro cốt đã bị niêm phong lại, trong thời gian chờ mở niêm phong, mọi người nên cố gắng nhớ các dấu tích thật chính xác như có họ tên đã được viết trên hũ hay các dấu tích khác tương tự.

Sau khi được gỡ niêm phong, chúng ta đề nghị chùa cho từng nhóm người vào nhận dạng tìm kiếm, đối chiếu. Tôi rất mong mọi người cùng hỗ trợ nhau để sớm tìm lại tro cốt của người thân mình”.

“Tôi cũng đang nóng lòng tìm tro cốt người thân đã gửi ở đây. Sự việc xảy ra như vậy thật tôi không thể hiểu nổi những người sửa chữa lại thiếu ý thức đến vậy. Tôi đề nghị phải truy trách nhiệm và có hướng xử lý cụ thể đối với các cá nhân liên quan. Dù có tức giận thì sự việc cũng đã xảy ra rồi, những thân nhân của các tro cốt phải bình tĩnh cùng nhau tiến hành nhận dạng.

Nếu hũ tro cốt nào không còn dấu tích thì chúng ta nên gom tất cả và di ảnh đi thiêu rồi rải xuống biển. Sau đó, đề nghị chùa cấp đất xây một ngôi đền thờ, ghi đầy đủ tên tuổi người mất để có dịp các thân nhân đến thắp nhang” - chị Trần Thị Thủy (quận Gò Vấp, TP.HCM) nói.

Sau khi nghe sư trụ trì chùa Kỳ Quang 2 nói về việc xét nghiệm ADN, anh Nguyễn Văn Hinh (quận 4, TP.HCM) vẫn chưa hết lo lắng: “Dù thầy trụ trì chùa đưa ra phương án sẽ cho xét nghiệm ADN để tìm lại tro cốt cho những thân nhân nhưng cách này rất khó để thực hiện và có làm thì chưa chắc đã chính xác.

Theo tôi, những hũ tro cốt nào không thể nhận dạng được thì cứ gom chung một chỗ để lại chùa tiếp tục thờ cúng. Bởi theo tâm linh thì hũ cốt còn đó dù chưa nhận dạng được nhưng chúng ta vẫn tin rằng người thân vẫn còn bên cạnh mình”.

Rất nhiều người viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng để truy trách nhiệm về chuyện tro cốt ở chùa. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Rất nhiều người viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng để truy trách nhiệm về chuyện tro cốt ở chùa. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Cụ Trần Thanh Nhân được cháu chở đến chùa từ sáng sớm để tìm tro cốt của bà cố, bà ngoại và mẹ được gửi ở đây. Ảnh: HOÀNG LÊ

Cụ Trần Thanh Nhân được cháu chở đến chùa từ sáng sớm để tìm tro cốt của bà cố, bà ngoại và mẹ được gửi ở đây. Ảnh: HOÀNG LÊ

Dù đã được thông báo đến ngày 17-9 các thân nhân sẽ đến chùa họp để biết hướng giải quyết nhưng ngày 4-9 nhiều người vẫn đến đứng trước cửa niêm phong tro cốt mong được vào nhận tro cốt người thân. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Dù đã được thông báo đến ngày 17-9 các thân nhân sẽ đến chùa họp để biết hướng giải quyết nhưng ngày 4-9 nhiều người vẫn đến đứng trước cửa niêm phong tro cốt mong được vào nhận tro cốt người thân. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Chính quyền giám sát, hỗ trợ chùa

Ngày 4-9, trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Như Hoa, Chủ tịch UBND phường 17, quận Gò Vấp, cho biết ngay từ khi xảy ra vụ việc địa phương đã cử lực lượng xuống giữ gìn an ninh trật tự và hỗ trợ ghi nhận ý kiến của các thân nhân có tro cốt gửi tại chùa.

Hôm qua, phường có nhận được đơn khiếu kiện của người dân gửi đến. Bước đầu phường chỉ mới tiếp nhận đơn và xuống chùa ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng của người dân về việc giải quyết các hũ tro cốt bị thất lạc.

Sau đó, phường sẽ gửi những thông tin chuyển cho chùa để chùa xử lý. Đồng thời, phường sẽ lưu một bản và giám sát quá trình giải quyết của chùa.

“Hiện tại, phường yêu cầu chùa phải cử người trực tiếp nhận những thông tin, phản ánh của người dân nhưng chùa báo không đủ người. Phường cũng đã xin ý kiến Mặt trận Tổ quốc để cử người xuống hỗ trợ chùa.

Trước mắt, phường chỉ giám sát việc giải quyết của chùa và giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Riêng vấn đề xử lý những cá nhân sai phạm liên quan đến vụ việc trên thì phải chờ các cơ quan liên quan” - bà Hoa cho biết thêm.

Cùng ngày, PV đã liên hệ Công an phường 17, quận Gò Vấp để nắm thêm tình hình. Tuy nhiên, công an phường hướng dẫn gặp UBND vì hiện tại công an phường chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực.

Khó xác định ADN từ tro cốt

Mẫu hài cốt đã được hỏa thiêu thì việc tách chiết ADN để giám định sẽ tương đối khó. Nếu mẫu đã thành tro, than đen thì việc xác định ADN tỉ lệ thành công vô cùng thấp.

Trường hợp nếu mẫu nào còn sót xương chưa cháy hết hoặc còn trong lõi xương rắn hay trắng thì khả năng phân tích ADN thành công sẽ cao hơn.

Đối với xét nghiệm ADN mẫu xương hài cốt, công nghệ hiện nay cho phép phân tích ADN ty thể (di truyền theo dòng mẹ) được ứng dụng trong giám định ADN hài cốt liệt sĩ và tìm họ hàng. Tuy nhiên, điều kiện của mẫu đem đi xét nghiệm là các răng lấy mẫu xét nghiệm phải còn gốc chân răng hoặc còn các đoạn xương ống (lấy khoảng 2-3 cm).

Ngoài ra, đối với xét nghiệm ADN huyết thống thông thường các loại mẫu xét nghiệm ADN phổ biến như mẫu máu, mẫu nước bọt (niêm mạc miệng), mẫu gốc chân tóc, mẫu móng tay và các loại mẫu đặc biệt khác (ví dụ cuống rốn, tinh trùng, bàn chải đánh răng, đầu mẩu thuốc lá... Giá xét nghiệm ADN huyết thống cho các trường hợp dân sự dao động 3-6,5 triệu đồng cho một ca xét nghiệm ADN gồm hai người.

Thời gian cho kết quả đối với mẫu dân sự thông thường là 1-2 ngày, đối với mẫu xương hài cốt là 15-20 ngày.

TSĐẶNG TRẦN HOÀNG, Viện trưởng Viện Công nghệ ADN
và phân tích di truyền (GENLAB)

HỮU ĐĂNG ghi

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/chinh-quyen-giam-sat-vu-tro-cot-o-chua-ky-quang-2-936511.html