Chính quyền huyện Đức Thọ có 'tiếp tay' cho sai phạm của Công ty Khánh Giang?

Mặc dù chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, song Công ty TNHH Khánh Giang vẫn ngang nhiên chuyển đổi từ chăn nuôi bò sang nuôi lợn với quy mô nghìn con ở thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng (huyện Đức Thọ) trước sự làm ngơ của các cấp, ngành chức năng.

Bài liên quan

Hà Tĩnh: Người dân vùng giáp ranh 2 huyện khốn khổ vì trại lợn 'bức tử' môi trường

Vụ trại lợn 'bức tử' môi trường: Công ty Khánh Giang nuôi lợn 'chui' quy mô lớn

Biên bản làm việc của Đoàn kiểm tra huyện Đức Thọ đối với trang trại lợn 'chui'

Chính quyền "né" cho trại lợn "chui" hoạt động

Thời gian vừa qua, cử tri tại 2 huyện Can Lộc và Đức Thọ (Hà Tĩnh) rất bức xúc trước việc trại chăn nuôi lợn 'chui' của Công ty TNHH Khánh Giang trên địa bàn thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng (huyện Đức Thọ) gây ô nhiễm môi trường và có dấu hiệu xả nước thải chứa đầy phân ra khe nước.

Rõ ràng, Công ty TNHH Khánh Giang tự ý chuyển đổi từ chăn nuôi bò sang nuôi lợn với số lượng nghìn con là sai. Bởi lẽ, chưa có hồ sơ điều chỉnh quy hoạch nuôi lợn của tỉnh; cơ quan chức năng chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM), hệ thống xử lý nước thải. Và không thể có chuyện chính quyền xã An Dũng và UBND huyện Đức Thọ không hay biết. Vậy tại sao vẫn có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?

Trao đổi với PV, ông Phan Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã An Dũng cho biết, khi đoàn đến kiểm tra, công ty đang nuôi 1.600 con lợn được gần một tháng. Đây là lứa lợn thứ 3-4 gì đấy. Theo quy định, sau khi xuất chuồng lứa lợn này (khoảng tháng 11/2021) công ty không được tái đàn mà phải hoàn thiện các hồ sơ trình tỉnh chuyển từ nuôi bò sang nuôi lợn thì mới được tiếp tục hoạt động.

"Do công ty làm ăn thua lỗ nên xã vẫn tạo điều kiện cho công ty tu sửa lại chuồng trại để chuyển từ chuồng bò sang chăn nuôi lợn. Song về mặt pháp lý, công ty phải hoàn thiện các thủ tục đảm bảo môi trường", ông Kiên nói.

Trại chăn nuôi lợn 'chui' của Công ty Khánh Giang ở xã An Dũng (huyện Đức Thọ) gây ô nhiễm không khí và có dấu hiệu xả nước thải chứa đầy phân ra khe nước.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, huyện cũng đã xuống lập biên bản, đình chỉ việc chăn nuôi và yêu cầu chủ trang trại không tái đàn. "Công ty Khánh Giang cũng có một trang trại lợn nái nữa ở xã Thuận Lộc, TX Hồng Lĩnh, nhưng do dịch Covid-19 đang kẹt lại ở đây một số lợn con nên họ phải đưa lên trang trại này để nuôi tiếp ", ông Đức nói.

Trả lời câu hỏi của PV, khi chủ trang trại thả lợn lứa một và lứa hai, đã có ý kiến của cử tri phản ánh về ô nhiễm môi trường, sao cơ quan chức năng không xuống đình chỉ ngay, mà để cho công ty nhiều lần tái đàn. Việc này gây bức xúc trong dư luận, khiến báo chí phải vào cuộc, huyện mới đình chỉ? Vị lãnh đạo này không trả lời được mà chỉ "mong báo chí chia sẻ cùng với huyện(!) ".

Nước thải bề mặt còn chảy tràn ra khắp cánh đồng gần đấy, dẫn theo hệ thống kênh mương

Vi phạm Luật Chăn nuôi

Luật sư Phạm Quang Vinh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Từ thực tế có thể thấy, buổi làm việc ngày 19/7/2021 của Đoàn kiểm tra huyện Đức Thọ tại trang trại của Công ty Khánh Giang chỉ mang tính hình thức, 'bàn giấy', “cưỡi ngựa xem hoa”. Kết luận của Đoàn kiểm tra chưa đi sâu vào vấn đề 'nóng' mà người dân 2 huyện giáp ranh đang bức xúc và báo chí phản ánh. Đó là, để trang trại nuôi lợn quy mô lớn chưa đủ điều kiện, vấn đề xử lý các loại chất thải và xả thải bừa bãi ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Điều kỳ lạ là, kết quả buổi làm việc lại đưa ra văn bản (Biên bản) cho phép trang trại được tiếp tục hoạt động mà không yêu cầu phải có bất kỳ một biện pháp cụ thể nào. Biên bản chỉ nói chung chung để cho doanh nghiệp tự khắc phục vấn đề về xử lý chuồng trại, xử lý mùi hôi, rác thải không theo quy chuẩn. Đây có thể nói là việc làm cố ý tiếp tay cho việc làm sai trái".

Thời gian qua, bà con cử tri phản ánh trại lợn này gây ô nhiễm rất nhiều nhưng Công ty Khánh Giang vẫn tiếp tục tái đàn...

Xét trên góc độ pháp lý, theo Luật sư Phạm Văn Lượng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Quy định tại Điều 21 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, với quy mô này, Công ty phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định 13/2020/NĐ-CP; Điều 53, Điều 55 Luật chăn nuôi 2018; Mục 2.2 QCVN 01-14:2010/BNNPTNT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho loại hình trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Về điều kiện để xây dựng trang trại: Luật Chăn nuôi 2018 quy định rất rõ về: Vị trí xây dựng trang trại phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi; Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi; Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại...

Đặc biệt, pháp luật chỉ cho phép trang trại quy mô lớn được hoạt động khi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Vậy mà trại lợn hơn 1.600 con ở đây vẫn ngang nhiên "chui lọt lỗ kim”?

Về xử lý phế thải: Theo quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về chăn nuôi nói riêng, việc khai thác môi trường và xả thải ra môi trường phải đặt trong sự bảo vệ và phát triển môi trường bền vững. Cơ sở hoạt động kinh tế chưa đủ điều kiện mà vẫn hoạt động, dẫn đến “bức tử” môi trường, xâm hại đến dân sinh thì đương nhiên phải dừng hoạt động.

Chủ trang trại đang chăn nuôi 'chui' với tổng số 1.600 con lợn thương phẩm

Dư luận thắc mắc vì sao các cơ quan chuyên môn lại để trang trại lợn đi vào hoạt động khi chưa hoàn thiện thủ pháp lý? Lý do gì khiến chính quyền lại "né" cho trại lợn "chui" ngang nhiên hoạt động.

Câu hỏi cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ. Đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm chủ trang trại nếu cố tình vi phạm, nhằm lập lại trật tự sản xuất, kinh doanh, trả lại môi trường bền vững cho xã hội.

Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-quyen-huyen-duc-tho-co-tiep-tay-cho-sai-pham-cua-cong-ty-khanh-giang-post145807.html