Chính quyền không can thiệp việc chọn cơ sở cung cấp thực phẩm của các trường, hiệu trưởng mới là người quyết định
Ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Thuận Thành khẳng định, tỉnh giao toàn quyền tự quyết định cho trường, và hiệu trưởng là người đứng ra chịu trách nhiệm.
Chiều 19/3, tại buổi họp báo liên quan đến sự việc phụ huynh tố Trường mầm non Thanh Khương cho trẻ ăn thực phẩm bẩn, ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Thuận Thành cho biết, trường này có 568 học sinh, được đánh giá là một trường có chuyên môn. Qua kiểm tra, giám sát từ trước đến nay, trường chưa bao giờ có vi phạm về an toàn thực phẩm. Quá trình tìm kiếm đối tác cung cấp thức ăn được làm đúng quy định.
Trước thông tin phán ánh của phụ huynh về thịt lợn có sán và thịt gà đông lạnh, UBND huyện đã chỉ đạo các trường dừng nhận cung cấp từ công ty Hương Thành. Hiệu trường trường Mầm non Thanh Khương và một số cán bộ liên quan cũng bị đình chỉ phục vụ điều tra.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo công an và ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu kiểm định. Tuy nhiên, do thịt lợn được phát hiện vào ngày 14/2 và 20/2 nên cơ quan chức năng không lấy được mẫu thịt lợn để xét nghiệm.
Về việc lựa chọn công ty cung cấp thực phẩm, ông Lê Văn Nho, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành khẳng định, tỉnh giao toàn quyền tự quyết định cho trường, và hiệu trưởng là người đứng ra chịu trách nhiệm.
Việc trùng lặp của 19 trường trên địa bàn huyện cùng lựa chọn một công ty cung cấp thực phẩm từ công ty Hương Thành, là do 19 hiệu trưởng tự quyết định với nhau. Sở và phòng giáo dục không can thiệp vào bất cứ việc gì.
Cũng tại cuộc họp, để giải thích thêm thắc mắc vì sao 1 cơ sở có quyền cung cấp thực phẩm cùng một lúc cho 19 trường học, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc đó không quan trọng, mà quan trọng nhất là cơ sở đó có đảm bảo đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
"Theo tôi, chỉ cần cơ sở đó đảm bảo tốt quy định về cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm thì không chỉ là 19 mà có thể là nhiều hơn nữa vẫn được", ông Phong nhấn mạnh
Về vấn đề không lưu mẫu thực phẩm, ông Phong khẳng định, nếu quy định phải lưu mẫu thực phẩm mà không lưu mẫu là vi phạm pháp luật chưa cần biết mẫu đó có hay không có chất độc.
Cụ thể, theo ông Phong, các cơ sở nào vi phạm không chỉ về lấy mẫu mà vi phạm về quy định vệ sinh dụng cụ trang thiết bị hay cơ sở, người chế biến thực phẩm đều bị xử lý. Còn đối với lấy mẫu và lưu mẫu chỉ là một quy định rất nhỏ trong yêu cầu vệ Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực hư thông tin công ty Hương Thành bỏ trốn
Trước câu hỏi có hay không chuyện chủ cơ sở cung cấp thực phẩm Công ty TNHH Hưng Thành tháo tên, bỏ trốn, ông Phong cho hay, đối với cơ sở cung cấp thực phẩm, nếu đã vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì dù có thay tên đổi họ, đi đâu hay làm bất cứ việc gì thì trước sau vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, xử lý nghiêm.
“Ở trường học, hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn ở mỗi địa phương, theo quy định của Chính phủ, chủ tịch tỉnh sẽ là người chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh đó”, ông Phong nói.
Đồng thời, ông Phong cho rằng, vụ việc này phải minh bạch, nhất quán không được bao biện, phải quyết liệt, nhưng cũng phải đề phòng những kẻ xấu làm hoang mang dư luận, gây hoang mang cho người dân.
Trước đó, tháng 2/2019, xuất hiện clip ghi lại hình ảnh bếp ăn của Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh (thịt lợn nhiễm sán, gà thối).
Lo lắng vì con em mình nhiễm sán do ăn tại trường, nhiều phụ huynh đã tức tốc đưa trẻ đi xét nghiệm sán tại Hà Nội.
Trong khoảng thời gian từ 12 đến 17/3, khoảng 2.000 trẻ ở Bắc Ninh đã theo bố mẹ lên thăm khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Trong đó, có khoảng 209 trẻ cho kết quả dương tính với sán lợn.