Chính quyền mạnh tay điều chỉnh, 'sốt' đất chỉ tồn tại 10 ngày là hết?

Ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều địa phương đã xuất hiện các cơn 'sốt' đất cục bộ. Thế nhưng, các cơn 'sốt' này không tồn tại được lâu, theo một số chuyên gia bất động sản, nếu chính quyền các địa phương siết chặt quản lý, những 'cơn sốt' này có thể chỉ 10 ngày là hết.

Lực đầu tư bật tăng sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng

Đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội, cho phép mở cửa tại một số khu vực thí điểm. Ngay lập tức, thị trường bất động sản tăng nhiệt, đặc biệt tại phân khúc đất nền tại Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai rất sôi động.

Bước sang tháng 11/2021, thị trường bất động sản ở nhiều khu vực như Cam Lâm (Khánh Hòa), Định Quán (Đồng Nai) xuất hiện các cơn “sốt” đất cục bộ, nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Các thị trường các ở các tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục nhịp sôi động.

Thị trường bất động sản sôi động dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam, cho biết TP.HCM, 5 tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Long An) và xa hơn là các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận có khoảng 700 nền đất được đưa ra thị trường, với tỷ lệ tiêu thụ khoảng 55%.

Mặc dù, số lượng nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ phân khúc đất nền không thực sự quá lớn, thế nhưng, nếu so với tháng 10/2021, nguồn cung chỉ có 650 và tiêu thụ được 1/3, điều này chứng tỏ thị trường đang có sức bật.

“Theo quan sát của chúng tôi, những ngày đầu tháng 12, xu hướng này vẫn tiếp tục tích cực. Chúng tôi tin tưởng rằng, đây là cơ sở cho những giai đoạn tiếp theo, đặc biệt vào đầu năm 2022”, ông Hoàng nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia của DKRA cho rằng, thị trường hiện nay vẫn “an bình”, “sốt ảo” chỉ xuất hiện ở một vài nơi, do một số người đưa ra những thông tin để tạo sóng.

“Những cơn sốt này cũng qua đi rất nhanh, khoảng một tuần đến 10 ngày là hết. Nhà đầu tư hiện nay rất thận trọng chứ không chạy theo đám đông. Hơn nữa, thời gian qua các địa phương cũng đã có phản ứng kịp thời khi xuất hiện những thông tin bơm thổi trên thị trường. Điều đó giúp giảm bớt những rủi ro gây ra sốt ảo bất động sản”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng nhấn mạnh: Trước sự kiểm soát gắt gao của cơ quan chức năng và các địa phương, tình trạng sốt đất giống như hồi đầu năm 2021 sẽ rất khó xảy ra.

Cơ quan chức năng mạnh tay cắt cơn "sốt" đất

Trên thực tế, ngay từ khi thị trường bất động sản manh nha xuất hiện các cơn sốt đất mới, Bộ Xây dựng và các địa phương đã nhanh chóng chấn chỉnh lại công tác quản lý đất đai.

Đơn cử như tại Cam Lâm (Khánh Hòa), sau khi có hiện tượng “cò” đất thổi giá, đẩy giá lên cao ngất ngưởng, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời các đối tượng tung tin trục lợi, làm ảnh hưởng xấu đến địa phương, gây hoang mang dư luận.

Cơ quan chức năng mạnh tay cắt cơn "sốt" đất.

Tương tự, Bộ Xây dựng mới đây cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng” hoặc các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới tại địa phương.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Bộ Xây dựng kiến nghị các địa phương có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-quyen-manh-tay-dieu-chinh-sot-dat-chi-ton-tai-10-ngay-la-het-post174494.html