Chính quyền nói gì vụ 'vàng tặc' khai thác trong rừng phòng hộ?

Theo UBND huyện Đắk Đoa, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức truy quét, tuy nhiên, lợi dụng địa hình hiểm trở, khó đi lại nên 'vàng tặc' vẫn lén lút đưa phương tiện vào khai thác vàng trái phép.

Liên quan đến vụ việc “vàng tặc” ngang nhiên đào hầm, đưa vật dụng vào khu vực Tiểu khu 416 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa, trên địa bàn xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai để khai thác vàng trái phép, ngày 26/5, thông tin từ UBND huyện Đắk Đoa cho biết, huyện đã có báo cáo cụ thể về vụ việc.

Để đến được hiện trường khai thác vàng trái phép, lực lượng Công an phải băng rừng, đường hiểm trở hơn 10km.

Để đến được hiện trường khai thác vàng trái phép, lực lượng Công an phải băng rừng, đường hiểm trở hơn 10km.

Theo báo cáo của UBND huyện Đắk Đoa, vào ngày 24/5, UBND huyện có nhận được thông tin báo cáo của UBND xã Đắk Sơ Mei cho biết, vào ngày 20/5, UBND xã đã phát hiện về vụ việc có dấu hiệu khai thác khoáng sản (vàng) trái phép tại Tiểu khu 416 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa trên địa bàn xã Đắk Sơ Mei. Ngay sau khi phát hiện, xã Đắk Sơ Mei đã chỉ đạo lực lượng Dân quân xã, Công an xã, Kiểm lâm địa bàn và Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa tiến hành tuần tra, kiểm soát tại khu vực trên.

Ngày 24/5, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ thuộc các phòng Công an tỉnh Gia Lai đã ập vào bãi vàng nêu trên. Tại hiện trường, lực lượng Công an đã phát hiện, ghi nhận có nhiều đường hầm và nhiều hố thông hơi cả cũ lẫn mới, hồ chứa tang vật cùng nhiều phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, không phát hiện đối tượng nào đang hoạt động tại hiện trường. Trong quá trình truy xét, lực lượng Công an đã phát hiện, khống chế 1 trường hợp nghi liên quan đến nhóm khai thác vàng trái phép.

Một hố nước nằm ngay điểm khai thác vàng trái phép được nhóm "vàng tặc" dựng lên để đãi vàng trái phép.

Một hố nước nằm ngay điểm khai thác vàng trái phép được nhóm "vàng tặc" dựng lên để đãi vàng trái phép.

Cũng theo UBND huyện Đắk Đoa, sau khi nhận bàn giao của các lực lượng Công an tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Đắk Sơ Mei tiếp nhận phương tiện, tang vật vi phạm để tiếp tục điều tra, làm rõ các đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định. Kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy, bên cạnh hầm mới đào có dấu hiệu khai thác khoáng sản thì chủ yếu là các hầm cũ từ khá lâu đã được các lực lượng chức năng của huyện phát hiện, xử lý.

Một trong những đường hầm được "vàng tặc" khoét sâu vào lòng đất để khai thác vàng.

Một trong những đường hầm được "vàng tặc" khoét sâu vào lòng đất để khai thác vàng.

Theo UBND huyện Đắk Đoa, việc tiến hành phá hủy các đường hầm bằng chất nổ mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn của huyện nghiên cứu, đề xuất, tuy nhiên sẽ gặp khó khăn do cửa hầm và miệng hầm rộng có độ sâu lớn, cần số lượng thuốc nổ nhiều, địa hình phức tạp không đảm bảo an toàn cho việc hủy nổ các hầm. Bên cạnh đó sẽ làm ảnh hưởng đến địa chất, môi trường và hệ sinh thái rừng tại khu vực này.

Nhiều phương tiện, vật dụng được "vàng tặc" bỏ lại hiện trường.

Nhiều phương tiện, vật dụng được "vàng tặc" bỏ lại hiện trường.

“Để xử lý triệt để đối với hoạt động khai thác vàng trái phép tại khu vực này, không để tiếp tục tái diễn trong thời gian tới, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, UBND huyện sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan, đồng thời tiếp tục chỉ đạo UBND xã, Công an xã Đắk Sơ Mei điều tra, làm rõ các đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định”, báo cáo UBND huyện cho biết.

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/chinh-quyen-noi-gi-vu-vang-tac-khai-thac-trong-rung-phong-ho--i769555/