Chính quyền ông Biden chật vật ép dân tiêm vaccine 'vì đó là nước Mỹ'

Các nước châu Âu đã thi hành hàng loạt biện pháp hạn chế nhằm 'ép' người chưa tiêm chủng sớm tiêm vaccine Covid-19, trong khi việc đó không dễ như vậy ở nước Mỹ.

Khi các loại vaccine mới được ra mắt, nhiều quốc gia hối hả đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Riêng tại châu Âu, hàng loạt lùm xùm nổ ra, từ tranh giành nguồn cung giữa Anh và EU, cho tới tác dụng phụ làm người dân mất niềm tin vào vaccine.

Chiến dịch tiêm chủng của châu Âu khi đó bị WHO miêu tả là "chậm chạp không thể chấp nhận được".

Nhưng đến cuối tuần này, số liều vaccine các nước EU đã tiêm cho người dân là 105 liều/100 dân. 70% người lớn tại các nước EU đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu nhanh hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới.

Thậm chí, Mỹ đã bị châu Âu bỏ lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng. Chỉ 69% người Mỹ được tiêm ít nhất một liều vaccine. Số vaccine đã tiêm trung bình là 103 liều/100 dân.

Câu chuyện trái ngược giữa Mỹ và EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuần qua tuyên bố EU đã có một chiến dịch tiêm chủng "rất thành công".

Dù có kết quả đến nay được coi là rất tươi sáng, chiến dịch tiêm chủng của EU và các nước thành viên không phải là không có vấn đề. Những khác biệt về chính trị giữa Mỹ và châu Âu đã khiến hai chiến dịch tiêm chủng đi theo những con đường trái ngược.

Tại châu Âu, nhiều người không tin tưởng vaccine, cũng như chính phủ các nước EU. Nhưng tâm lý chống vaccine ở Mỹ mạnh mẽ và lan rộng hơn nhiều, đặc biệt trong giới cử tri bảo thủ.

Thời gian gần dây, tốc độ tiêm chủng ở EU đã giảm dần nhưng chưa nhiều. Nhưng tại Mỹ, tốc độ tiêm chủng đã giảm tới 80%.

 Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Paris. Ảnh: New York Times.

Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Paris. Ảnh: New York Times.

Ở châu Âu, việc hoạch định chính sách mang tính tập quyền hơn nhiều so với Mỹ. Chính quyền trung ương các nước có quyền kiểm soát lớn với chính sách y tế, một số nước sẵn sàng đưa ra các biện pháp gây sức ép cao độ, buộc người dân tiêm chủng.

"Tại châu Âu, chúng ta đang bước vào giai đoạn mới, nhiều nhà lãnh đạo cho biết tiêm chủng không phải bắt buộc, nhưng virus lan rộng đã khiến họ nhận ra những biện pháp cứng rắn là cần thiết", Guntram Wolff, giám đốc cơ quan tư vấn chính sách Bruegel Institute, cho biết.

Trong khi đó, với bản chất phân quyền, chính quyền liên bang, tiểu bang và các địa phương ở Mỹ có những quan điểm rất khác nhau và thiếu thống nhất trong tiêm chủng.

Tiêm vaccine hoặc bị hạn chế

Ở Pháp, người dân giờ phải có "thẻ y tế" chứng minh đã tiêm chủng hoặc có xét nghiệm âm tính mới có thể đi vào hầu hết địa điểm trong nhà như nhà hàng, quán bar.

Tại các cơ sở giáo dục, khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, học sinh chưa tiêm chủng sẽ phải ở nhà, trong khi học sinh đã tiêm vaccine có thể đến lớp bình thường.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố mục đích của chính sách hiện nay là "áp đặt giới hạn lên nhóm chưa tiêm vaccine, thay vì tất cả người dân".

Những biện pháp hạn chế tương tự được chính phủ Italy công bố từ tuần trước. Trong khi đó, người Đức phải có tài liệu chứng minh đã tiêm chủng hoặc âm tính với virus mới có thể ăn tối tại nhà hàng trong nhà.

Ở Anh, giấy xác nhận đã tiêm vaccine là điều kiện để vào các câu lạc bộ đêm bắt đầu từ tháng 9.

 Các cơ sở vui chơi giải trí đã mở lại ở Anh. Ảnh: BBC.

Các cơ sở vui chơi giải trí đã mở lại ở Anh. Ảnh: BBC.

Chính phủ Hy Lạp, Italy và Pháp yêu cầu nhân viên y tế phải tiêm vaccine, nếu không họ có thể bị từ chối trả lương.

Tuần qua, nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng cho nhân viên công vụ nóng lên ở Mỹ. Bộ Cựu chiến binh liên bang ra thông báo bắt buộc nhân viên tiêm chủng. Trong khi đó, hai bang New York và California cho biết nhân viên tiểu bang sẽ thường xuyên phải tiến hành xét nghiệm nếu không tiêm vaccine.

Hôm 28/7, Tổng thống Joe Biden thông báo tất cả nhân viên dân sự liên bang phải tiêm vaccine Covid-19, nếu không sẽ bị buộc xét nghiệm thường xuyên, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và hạn chế di chuyển.

Ông Biden cũng kêu gọi chính quyền tiểu bang và các địa phương phát 100 USD cho những người chấp nhận tiêm chủng.

Tuy nhiên, đa phần các tiểu bang và chính quyền địa phương không bắt buộc nhân viên tiêm chủng. Một số bang thậm chí cấm việc ép buộc nhân viên tiêm vaccine.

Những biện pháp gây sức ép như ở châu Âu để buộc người dân tiêm chủng không được triển khai ở Mỹ.

Hôm 28/7, một nhóm thượng nghị sĩ Cộng hòa cho biết Tổng thống Biden cần cung cấp thêm bằng chứng khoa học trước khi áp đặt bất cứ yêu cầu nào về tiêm chủng bắt buộc, kể cả với nhân viên chính phủ liên bang.

"Đây là nước Mỹ. Ông ấy không thể cưỡng ép người dân tiêm vaccine", Thượng nghị sĩ bang Iowa, ông Charles Grassley, nói.

Tại châu Âu, phần lớn người dân coi vaccine là con đường duy nhất để thoát khỏi đại dịch. Một cuộc thăm dò hồi tháng 5 cho thấy 79% cư dân EU đã hoặc có kế hoạch tiêm chủng ngay trong năm nay.

Ở Pháp, 3,7 triệu người đã đặt lịch tiêm vaccine ngay trong tuần sau tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Macron. Theo các chuyên gia, hiện tượng này cho thấy nhiều người chưa tiêm chủng không phải bởi họ chống vaccine, mà chỉ đơn giản là họ chưa muốn hoặc không vội tiêm.

"Nhiều người đã bắt đầu suy nghĩ, họ muốn đợi tới cuối kỳ nghỉ hè trước khi quyết định có tiêm hay không. Nhưng các hạn chế mới sẽ cho họ động lực sớm tiêm chủng", Alan Fischer, giám đốc chương trình tiêm chủng của Pháp, cho biết.

Hệ thống y tế ở nhiều nước châu Âu giúp việc tiêm chủng đơn giản hơn nhiều.

"Ở Tây Ban Nha, gần như tất cả người dân đều có bác sĩ gia đình", Rafael Bengoa, cựu giám đốc cơ quan y tế xứ Basque của Tây Ban Nha, cho biết.

Theo ông Bengoa, các bác sĩ gia đình giúp theo dõi các nhóm ưu tiên trong thời gian đầu chiến dịch tiêm chủng, cũng như những người chưa tiêm vaccine.

Thách thức còn ở phía trước

Các yêu cầu tiêm chủng tại châu Âu lúc này cũng đã chứng kiến một số phản kháng từ người dân.

Theo ông Heidi Larson, người sáng lập Dự án Niềm tin Vaccine, cả Mỹ và châu Âu đều đối mặt những thách thức giống nhau trong giải quyết vấn đề chống vaccine, trong đó có những thông điệp chống chính phủ, lo ngại về an toàn của vaccine, cũng như câu hỏi về quyền tự do cá nhân.

Đầu tháng 7, hơn 160.000 người Pháp đã tuần hành phải đối các quy định về yêu cầu tiêm chủng. Sức ép từ các nhóm chống tiêm chủng bắt buộc đã khiến chính phủ Tổng thống Macron rút lại một số đề xuất để dự luật về tiêm chủng có thể được thông qua.

Ở Italy, các chính trị gia bảo thủ tiếp tục từ chối lời kêu gọi ủng hộ chiến dịch tiêm chủng, trong số này có Matteo Salvini, thủ lĩnh đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc.

 Người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế nhắm vào người chưa tiêm chủng ở Paris. Ảnh: AFP.

Người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế nhắm vào người chưa tiêm chủng ở Paris. Ảnh: AFP.

Trong nội bố EU, không phải mọi quốc gia đều đạt mức tiêm chủng cao. Nếu coi EU là một thể thống nhất, sự phân hóa về tỷ lệ tiêm chủng tại EU lớn hơn nhiều các tiểu bang tại Mỹ.

Các nước Tây Âu có hơn 80% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

Trong khi đó, số người tiêm ít nhất một liều vaccine ở Bulgaria là 19%, ở Romania là 32%. Tốc độ tiêm chủng tại hai nước này đã chậm lại đáng kể, dù dư thừa nguồn cung vaccine. Đây là những nước nghèo nhất EU, hệ thống y tế đã nhiều năm thiếu đầu tư.

Các nhà nghiên cứu cũng đang ngày càng lo ngại về sự phân hóa thế hệ trong tiêm chủng ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Một cuộc khảo sát mới tiến hành cho thấy người dưới 45 tuổi có xu hướng từ chối tiêm chủng cao hơn so với nhóm còn lại.

"Chúng ta đã quá tập trung vào nhóm người già, điều này tạo ra ấn tượng mạnh mẽ với người trẻ rằng họ không gặp nguy hiểm, hoặc nếu mắc bệnh thì cũng chỉ có triệu chứng rất nhẹ", ông Larson cho biết.

Tuần qua, 20,5 triệu liều vaccine được tiêm trên khắp EU, giảm đáng kể so với mức đỉnh 28,4 triệu liều trong tuần đầu tháng 6. Xu hướng này sẽ tiếp diễn, các quan chức EU dự đoán.

Lãnh đạo nhiều nước nhận ra rằng, đối với vaccine, có những bộ phận dân chúng khó thuyết phục hơn nhiều. Hiện tượng này sẽ khiến mục tiêu cuối cùng của chiến dịch tiêm chủng, đạt mức độ tiêm chủng đủ cao giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, khó trở thành hiện thực

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chinh-quyen-ong-biden-chat-vat-ep-dan-tiem-vaccine-vi-day-la-nuoc-my-post1245328.html