Chính quyền tắc trách, doanh nghiệp lộng hành
Hàng thập kỷ khu vực núi Hang Diêm (Kim Bảng, Hà Nam) bị Công ty Tiến Đạt đào bới, móc khoáng sản đi bán. Khi những tiếng nổ mìn hàng ngày vang vọng, những chiếc xe tải nối đuôi nhau chở khoáng sản đi bán diễn ra, một vùng núi đá cao bị đục khoét loang lổ, các cấp chính quyền từ cấp xã, huyện đến tỉnh đều kiểm tra, lập biên bản rồi lại rời đi, mặc cho doanh nghiệp tung hoành mà không có biện pháp ngăn chặn.
Các cựu quan chức đứng đầu các cơ quan chức năng "nhắm mắt" làm ngơ, im lặng để dung túng, bao che cho doanh nghiệp hay họ thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý?
Núp bóng dự án, "móc" khoáng sản
Năm 2011, Công ty Châu Giang do Nguyễn Văn Diễn là Giám đốc được UBND tỉnh Hà Nam cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ núi đá Hang Diêm, địa bàn xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, thời hạn 30 năm. Năm 2017, tại quyết định số 325/QĐ-UBND, UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận cho Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Tiến Đạt (cũng do Nguyễn Văn Diễn là Giám đốc) đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sản xuất cống bê tông và gạch không nung xi măng cốt liệu.
Trên giấy tờ, vị trí khu vực núi Hang Diêm được cấp phép là nơi xây dựng nhà máy, theo tiến độ thì nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách địa phương từ tháng 2/2018. Tuy nhiên, từ năm 2017, tại khu vực dự án mới chỉ được xây dựng một dãy nhà cấp 4 và 1 trạm biến áp.
Trên thực tế, cả một vùng khu vực Hang Diêm bị đào bới tan hoang để lấy đi những thứ khoáng sản có giá trị nhất gồm đất sét và đá dùng làm vật liệu xây dựng. Từ "vỏ bọc dự án", doanh nghiệp này đã qua mặt chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, vô tư múc đất đi bán kiếm lời bất chính, tài nguyên đất đai đang bị "chảy máu", thất thoát với khối lượng khủng.
Theo nội dung bản án sơ thẩm vụ “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” của TAND tỉnh Hà Nam. Sau khi được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án, Nguyễn Văn Diễn không thông qua các thành viên góp vốn của công ty mà tự ý một mình đại diện công ty ký hợp đồng với Trung tâm Điều trị nghiện ma túy và Phục hồi chức năng tâm thần tỉnh Hà Nam để thuê người khai thác khoáng sản trái phép trong diện tích đất thuộc quyền quản lý của Trung tâm, rồi bán khoáng sản cho các công ty, cá nhân trong và ngoài tỉnh Hà Nam kiếm lời.
Từ năm 2010 - 2020, Diễn thuê và chỉ đạo khai thác trái phép khoáng sản tại dự án được cấp phép xây dựng Nhà máy gạch không nung, xi măng cốt liệu tại khu vực núi Hang Diêm, xã Liên Sơn và trong Trung tâm cai nghiện hơn 58,9 tỉ đồng.
Vì sao chính quyền làm ngơ?
Nhiều năm liền, Nguyễn Văn Diễn cho người khai thác khoáng sản trên khu vực núi Hang Diêm, từ khu vực đồi núi được phủ cây xanh, hàng ngày tiếng mìn nổ cày xới rung chuyển, tiếng máy xúc, máy khoan, và những nhân công được thuê khai thác khoáng sản không ngừng nghỉ.
Một thời gian dài, bị ảnh hưởng bởi công trường khai thác, người dân tại xã Liên Sơn liên tục có đơn phản ánh việc khai thác đất, đá của Công ty này làm sạt lở vườn, đất đá lăn do nổ mìn không an toàn, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Có những hộ dân trình báo việc Công ty Tiến Đạt khai thác trộm khoáng sản cả trên phần đất của họ. Mỗi lần nhận được đơn thư, các cấp chính quyền gồm UBND xã Liên Sơn, UBND huyện Kim Bảng và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam lại lập đoàn kiểm tra.
Theo hàng loạt biên bản kiểm tra tại thực địa Công ty Tiến Đạt của UBND huyện Kim Bảng, UBND xã Liên Sơn, từ nhiều năm, Công ty này liên tục dùng máy xúc để khai thác đất, đá… rồi sau đó dùng xe vận tải để chuyển số tài nguyên khai thác được mang ra khỏi địa bàn để đi tiêu thụ. Tại các biên bản kiểm tra cũng chỉ rõ, việc khai thác tài nguyên, đất, đá của công ty là việc làm sai, không được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động; việc khai thác khoáng sản sai trái còn vượt qua mốc giới đã được giao, lấn sang diện tích 7000m2 của các hộ ông Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Chung, Phạm Thị Sửu, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Văn Thế đang sản xuất, trồng cây cối, hoa màu.
Tại nội dung các biên bản kiểm tra, các cấp chính quyền đã yêu cầu công ty dừng ngay việc khai thác trái phép, đưa máy móc, thiết bị ra ngoài khu vực, phạm vi, lên phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân tại đây. Tuy nhiên, việc lập biên bản, yêu cầu công ty dừng hoạt động của chính quyền huyện Kim Bảng, xã Liên Sơn cũng chỉ nằm trên giấy, còn về phía Công ty Tiến Đạt thì vẫn hằng ngày đưa xe vận tải vào chở đất đi tiêu thụ, kiếm lời bất chính, bất chấp pháp luật; người dân thì vẫn chỉ biết mang đơn đi các cơ quan chức năng kiến nghị để đòi lại quyền lợi.
Tiếp nhận thông tin vi phạm của công ty, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam có văn bản đề nghị UBND huyện Kim Bảng yêu cầu Công ty Tiến Đạt dừng hoạt động khai thác, vận chuyển tại khu vực Hang Diêm; chỉ đạo các cơ quan của huyện và UBND xã Liên Sơn lập biên bản, xử lý vi phạm đối với hành vi khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; có văn bản báo cáo UBND tỉnh và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về hoạt động của dự án trên, công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện và kết quả xử lý, nhưng vẫn không xử lý được vi phạm của công ty.
Diện tích đất trước đó khai thác nhỏ, nhưng sau nhiều lần kiểm tra, yêu cầu dừng hoạt động, công ty vẫn ngang nhiên “móc ruột” khoáng sản đi bán, khối lượng tài nguyên thất thoát ngày càng lớn. Diện tích đồi bị khai thác, tàn phá ngày càng rộng hơn theo thời gian. Điều này cho thấy việc “đánh cắp” tài nguyên, khoáng sản tại Công ty Tiến Đạt vẫn bất chấp pháp luật, thách thức các cơ quan chức năng. Dư luận đặt ra hoài nghi về việc có hay không sự “bắt tay, lợi ích nhóm”, cố tình “nhắm mắt làm ngơ” để công ty này lộng hành, bất chấp pháp luật?...
“Lộ diện” những kẻ tiếp tay
Khi vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại khu vực núi Hang Diêm thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng được khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, dư luận cả nước quan tâm, người dân dõi theo. Ngay sau đó, vụ án được đưa vào diện báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh để chỉ đạo giải quyết. Trong suốt các giai đoạn tố tụng Nguyễn Văn Diễn và thuộc cấp tại Công ty Tiến Đạt đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Hà Nam tuyên phạt Nguyễn Văn Diễn 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.
Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng nhận thấy quá trình khai thác trái phép khoáng sản của các bị cáo diễn ra trong khoảng thời gian dài cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh trong việc: Thẩm định nhu cầu sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; việc quản lý, thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; công tác hậu kiểm của Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện đúng.
Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế tài nguyên cũng là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các bị cáo có thể khai thác trái phép khoáng sản. Vì vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã tống đạt khởi tố bị can đối với Vũ Văn Định (64 tuổi) và Nguyễn Duy Trinh (51 tuổi) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cả 2 bị can nguyên là Giám đốc Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh Hà Nam.
Tài liệu điều tra xác định, trung tâm này cùng với doanh nghiệp của Nguyễn Văn Diễn trực tiếp ký các hợp đồng, biên bản thỏa thuận cho phép khai thác khoáng sản, vận chuyển ra khỏi khu đất quản lý của trung tâm, thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, các bị can này còn hợp tác với Diễn, tận dụng chính những học viên đang ở tại Trung tâm làm công nhân khai thác khoáng sản cho Công ty Tiến Đạt.
Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án đến ngày 15/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố Trương Minh Hiến (sinh năm 1960, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam) và Vũ Hữu Song (sinh năm 1959, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999. Cơ quan điều tra cáo buộc, quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bị can Trương Minh Hiến và Vũ Hữu Song đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tiến Đạt khi chưa đủ điều kiện.
Việc làm của bị can Hiến và bị can Song dẫn đến hậu quả Nguyễn Văn Diễn không nộp tiền trồng rừng thay thế và khai thác trái phép hơn 260.000m3 đá sét xi măng trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 20 tỷ đồng.
Được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên phong phú, liên tiếp trong nhiều năm, Hà Nam được coi là địa phương có ngành công nghiệp khai thác đá, vật liệu xây dựng phát triển trên cả nước. Nhưng chính sự quản lý thiếu trách nhiệm của những cựu quan chức, lãnh đạo tỉnh Hà Nam dẫn đến nhiều doanh nghiệp tận dụng nguồn tài nguyên phong phú để khai thác trục lợi.
Rõ ràng, việc khai thác khoáng sản ở Hang Diêm diễn ra hàng ngày, hàng giờ, kéo dài hàng thập kỷ, những người đứng đầu các cơ quan quản lý tại địa phương không phải không nắm biết, nhưng việc thanh tra, kiểm tra kiểu “đánh trống bỏ dùi” là hành vi tắc trách hay sự dung túng cho doanh nghiệp?
Ở đâu đó tại nhiều địa phương, việc xử lý sai phạm kiểu này thường chỉ dừng ở việc “kiểm tra, lập biên bản, xử lý hành chính” vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại từ cấp chính quyền cơ sở cho đến cấp quản lý cao hơn, thời gian kéo dài hàng năm, và doanh nghiệp vẫn công khai vi phạm. Đó chính là một cách xử lý thể hiện hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu không có các biện pháp quản lý mang tính chất phòng ngừa cứng rắn hơn, liệu sẽ còn bao nhiêu khoáng sản bị “móc ruột”, còn bao khu vực đồi núi bị tàn phá như Hang Diêm?