Chính sách an sinh nào cho tài xế xe công nghệ?

Nếu không phủ lưới an sinh đến tài xế xe công nghệ thì người lao động sau khi đến tuổi về hưu, suy giảm chức năng lao động, không có điều kiện an sinh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bên cạnh một bộ phận lao động có hợp đồng lao động, hiện nay có một bộ phận không nhỏ người lao động tham gia thị trường lao động phi chính thức không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không đầy đủ, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được chi trả các khoản trợ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.

(Ảnh minh họa: Phúc Tài)

(Ảnh minh họa: Phúc Tài)

Để hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân cần bao phủ an sinh xã hội lên nhóm lao động phi chính thức. Về nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM.

PV: Hiện nay, tại TP.HCM, Tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng và không ngừng tăng nhanh về số lượng, Liên đoàn lao động TP có những đánh giá gì về lực lượng này?

Ông Nguyễn Thành Đô: Lực lượng tài xế công nghệ và những người hoạt động trên nền tảng ứng dụng chia sẻ trong thời gian qua số lượng càng ngày càng gia tăng do sự phát triển của thương mại điện tử và các nền tảng.

Số lượng lao động đông nhưng đối tượng này vẫn hạn chế trong việc tiếp cận an sinh xã hội. Lý do là tài xế công nghệ và giao hàng công nghệ không ký hợp đồng lao động với các công ty vận tải, dịch vụ mà ký hợp đồng đối tác.

Họ thuộc đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, trong khi lại là lực lượng lao động quan trọng, giải quyết hiệu quả nhu cầu về nhiều mặt của đời sống dân sinh, đặc biệt là tại các đô thị.

Dự báo trong thời gian sắp tới, số lượng còn gia tăng nữa.

PV: Từ những nhận định trên, theo ông, tại sao tài xế xe công nghệ cần thiết phải tham gia BHXH cấp thiết như hiện nay?

Ông Nguyễn Thành Đô: Tài xế công nghệ và giao hàng công nghệ thuộc nhóm lao động phi chính thức với công việc bấp bênh, nặng nhọc, thu nhập không ổn định, chạy xe suốt ngày trên đường, những nguy cơ trong quá trình lao động rất cao.

Tài xế xe công nghệ thường xuyên làm việc trên 8 giờ/ ngày, không có thời gian ăn nghỉ cố định, không có ngày lễ, tết, ngày nghỉ; làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng hoặc mưa bão, đối diện với nhiều rủi ro về sức khỏe, tai nạn.

Nếu không phủ lưới an sinh đến đối tượng này thì người lao động sau khi đến tuổi về hưu, suy giảm chức năng lao động, không có điều kiện an sinh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Do đó, cần đưa nhóm đối tượng này vào là nhóm lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, là nhóm lao động đặc thù để đưa vào lưới an sinh chung để bảm đảm chính sách bảo hiểm xã hội toàn dân, phủ lưới an sinh đến toàn dân để đảm bảo điều kiện sống và đặc biệt là khi họ hết tuổi lao động.

PV: Những kiến nghị từ phía Liên đoàn Lao động TP.HCM?

Ông Nguyễn Thành Đô: Theo thống kê không đầy đủ, các nền tảng ứng dụng sử dụng xe công nghệ (Grab, Gojek, Bee, VinFast) khoảng 700.000 tài xế, chiếm số lượng lớn so với tổng số lao động của Việt Nam (khoảng 52 triệu người), chiếm khoảng 1,5%.

Trên các diễn đàn, Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đã có kiến nghị Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại các công ty đang cung cấp dịch vụ nền tảng, ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, lái xe công nghệ để hoàn thiện hệ thống anh sinh xã hội ở nước ta, nhất là BHXH, BHYT.

Những mục hưởng có thể tham gia ít để họ từ từ tiệm cận nhưng phải quy định trong bộ luật, thì chủ các nền tảng ứng dụng phải có trách nhiệm tham gia vào lưới an sinh chung cùng với người lao động.

Qua đó, để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và cũng là cơ sở để trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật BHXH.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Ngọc/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chinh-sach-an-sinh-nao-cho-tai-xe-xe-cong-nghe-post1098818.vov