Chính sách của ông Trump đặt an ninh Mỹ vào tình thế nguy hiểm?
Nhiều chuyên gia cảnh báo, chính sách của ông Trump đang gửi đi những thông điệp khó hiểu, có nguy cơ đặt an ninh quốc gia Mỹ vào tình thế nguy hiểm.
Ba sự xoay chuyển về chính sách của thời gian gần đây đã cho thấy phong cách điều hành khó đoán định của ông - một cách tiếp cận mà nhiều chuyên gia cảnh báo đang gửi đi những thông điệp lẫn lộn, và có khả năng đặt an ninh quốc gia Mỹ vào tình thế nguy hiểm.
Cách tiếp cận của Tổng thống với 3 vấn đề: chiến dịch chống lại người di cư của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải Quan Mỹ, thuế quan đối với Trung Quốc, Mexico và căng thẳng với Iran, có nguy cơ dẫn đến những rủi ro chính trị khi ông tăng cường thực thi chính sách “bên miệng hố chiến tranh” trong một nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng.
Chiến lược khó đoán định
Hôm 23/6, những người ủng hộ ông Trump, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence lập luận rằng Tổng thống đã thể hiện sự thận trọng “đáng ngưỡng mộ” khi từ chối tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Iran do lo ngại con số thương vong tiềm ẩn. “Tổng thống đã thể hiện sự kiềm chế mà người dân Mỹ ngưỡng mộ và biết ơn. Nhưng Iran không nên nhầm lẫn sự kiềm chế của Mỹ với sự thiếu quyết đoán. Mọi lựa chọn vẫn nằm trên bàn”.
Tuy nhiên, những người phản đối Tổng thống Trump lại đang cố gắng thổi phồng sự thiếu nhất quán trong cách tiếp cận này thành vấn đề lớn đối với cử tri. Trong bối cảnh các cuộc tranh luận của đảng Dân chủ trước thềm cuộc đang nóng dần lên, nhiều ứng cử viên đã chớp lấy việc ông Trump hủy tấn công Iran vào phút chót làm ví dụ mới nhất cho một mô hình điều hành dễ đảo ngược.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Kamala D. Harris cho rằng: “Tôi không tin một ai đó sẽ xứng đáng nhận được sự tin tưởng vì cuộc khủng hoảng mà họ đã tạo ra”. Phát biểu với kênh truyền hình ABC, Thượng nghị sĩ Cory Booker của bang New Jersey nói: “Chẳng có chiến lược nào ở đây. Chúng ta có một vị Tổng thống làm việc giống như một chương trình truyền hình thực tế, cố gắng tạo ra thêm nhiều vở kịch và cố gắng xây dựng chính sách đối ngoại bằng những dòng Tweet”.
Nhận xét về vấn đề này, ông Larry Jacobs, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Minnesota cho rằng, cách hành xử của Tổng thống Trump đã gây ra nhiều xáo trộn: “Cựu Tổng thống Ronald Reagan rất rõ ràng, không có chút mơ hồ nào về các quan điểm của ông với thế giới và mong muốn của ông thực hiện chúng. Đôi khi ông ấy bị chỉ trích nhưng luôn có sự rõ ràng và nhất quán, với một khuôn mẫu được thiết lập sẵn. Ngược lại với Tổng thống Trump, cả đối thủ lẫn đồng minh của chúng ta đều không thể hiểu được ý định của ông”.
Dùng thương mại làm "vũ khí chính"
Các chiến lược trong chính sách của ông Trump được pha trộn ở mức độ cao nhất. Tháng 6 vừa qua, ông Trump đã đột ngột đe dọa áp thuế đối với mọi hàng hóa nhập khẩu từ Mexico để buộc quốc gia này thắt chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn người di cư từ Trung Mỹ. Ông đã cho nhà chức trách Mexico thời hạn 10 ngày để thực hiện yêu cầu nếu không sẽ áp thuế 5% đối với 346 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mexico mỗi năm. Ngay sau đó, ông Trump đã phải nhận nhiều lời chỉ trích vì sử dụng thương mại để giải quyết những vấn đề không liên quan, mâu thuẫn với mới (viết tắt là USMCA) được tạo ra để thúc đẩy thương mại giữa các nước láng giềng Bắc Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Mexico cảm thấy bị tổn thương bởi cách đàm phán của Tổng thống Trump. Hồi cuối tháng 3 vừa qua, ông Trump đã đe dọa đóng cửa biên giới với Mexico trong một động thái chống lại người di cư. Nhưng ông đã rút lại quyết định do sự phản đối từ các chủ doanh nghiệp Mỹ - những người lo ngại sẽ xảy ra sự gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng công nghiệp.
Ông Daniel Ujczo, luật sư thương mại của công ty luật Dickinson Wright tại Columbus, bang Ohio (Mỹ), nói rằng: “Dù muốn thừa nhận hay không thì thực tế Tổng thống Trump đang tiến hành mặc cả một cách cứng rắn và nhận được kết quả. Câu hỏi đặt ra là cái giá phải trả trước mắt hoặc lâu dài sẽ là gì? Điều gì sẽ xảy ra khi các quốc gia khác bắt đầu sử dụng chiến thuật tương tự chống lại Mỹ?”
Bên cạnh gây sức ép với Mexico, Tổng thống Trump cũng đưa nước Mỹ lún sâu vào cuộc chiến thuế quan ngày càng leo thang với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ đã bắt đầu quá trình áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Động thái này có khả năng tạo ra trở ngại mới trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn một mực khẳng định rằng tất cả các rào cản thuế quan cần được dỡ bỏ như một phần thỏa thuận nhằm giải quyết những khiếu nại của ông Trump về các hành vi thương mại của Trung Quốc.
Edward Alden, chuyên gia kinh tế tại Đại học Tây Washington nhận định: “Những lời đe dọa của Tổng thống Trump chỉ phát huy tác dụng, ở một mức độ nào đó đối với những mục tiêu yếu, nhưng dường như không hiệu quả với những mục tiêu mạnh hơn. Canada và Mexico vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ sẵn sàng nhượng bộ thay vì mạo hiểm gây tổn hại nền kinh tế của họ. Hàn Quốc cũng phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ, do vậy sẵn sàng thỏa hiệp. Nhưng các đối tác thương mại lớn hơn, như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, thậm chí Nhật Bản đã tỏ ra ít quy phục hơn”.
Rắn tay với người di cư
Liên quan đến vấn đề nhập cư, tuần trước Tổng thống Trump cho biết ông đã chỉ thị cho Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) bắt đầu tiến trình bắt giữ và trục xuất hàng triệu người di cư trái phép tìm cách vào Mỹ. Song biện pháp này dường như đã thất bại khi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện được.
Tuyên bố của của Tổng thống Trump đã gây nên làn sóng chia rẽ chính trị ở Mỹ, khi các thành viên đảng Dân chủ phản ứng không phải bằng những tranh luận trên bàn đàm phán mà trực tiếp cáo buộc chính quyền ông Trump đang thực hiện chiến dịch “bắt giữ con tin”. Thượng nghị sĩ thiểu số Whip Richard J. Durbin nói: “Tổng thống Trump đã khiến hàng triệu người phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Số phận của họ phụ thuộc vào việc liệu rằng Quốc hội sẽ cho phép ông bỏ tù những đứa trẻ vô thời hạn hay không. Đây là nước Mỹ?”./.