Chính sách đặc thù hỗ trợ tổ Covid-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều lực lượng tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Các lực lượng này đa số đã được hưởng chế độ phụ cấp, bồi dưỡng theo quy định. Tuy nhiên, còn một số đối tượng được cơ quan có thẩm quyền thành lập, huy động tham gia vào các công việc, nhiệm vụ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tương tự như các nhóm đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP, ngày 8/2/2021 của Chính phủ nhưng không được hưởng chế độ hỗ trợ chống dịch từ ngân sách Nhà nước. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hòa Bình đã lược ghi một số ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Vân, Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch HĐND phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Vân, Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch HĐND phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII.

Tại khoản 3, Điều 21, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quyền hạn HĐND tỉnh "quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương không hỗ trợ…”. Do đó, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ nhóm đối tượng này là cần thiết.

Thẩm tra dự thảo nghị quyết Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh nêu về mức hỗ trợ cho thành viên tổ Covid-19 cộng đồng tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT, ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế ban hành "Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19”. Trong đó có nội dung hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ tổ Covid-19 cộng đồng như sau: "Mỗi tổ Covid-19 cộng đồng gồm 2 - 3 người nên là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách 40 - 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ”. Trên cơ sở đó, hiện nay, đa số các thôn, xóm, tổ dân phố đã thành lập nhiều hơn 1 tổ Covid-19 cộng đồng, có nơi 5 - 6 tổ (tùy vào số hộ gia đình). Việc UBND tỉnh trình mỗi thôn, xóm tổ dân phố chỉ có 1 tổ Covid-19 cộng đồng được hỗ trợ là chưa hợp lý, chưa khích lệ được tinh thần tự nguyện của các thành viên. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu bổ sung hỗ trợ cho tất cả các tổ Covid-19 cộng đồng đã được thành lập hiện nay trên địa bàn tỉnh. Hoặc hỗ trợ theo từng cá nhân hiện là thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng. Đề nghị UBND tỉnh bổ sung các cấp độ dịch quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ để làm căn cứ hỗ trợ cho các tổ Covid-19 cộng đồng. Xem xét hỗ trợ đối với thành viên tổ Covid-19 cộng đồng được cấp có thẩm quyền thành lập ở những địa phương có cấp độ dịch mức 1 và cấp độ 2.

Đồng chí Bùi Thị Minh, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định vai trò quan trọng của tổ Covid-19 cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Đồng thời đề xuất không áp dụng chế độ "cào bằng” hỗ trợ vì làm như thế sẽ cần một nguồn vốn rất lớn, gây áp lực cho ngân sách địa phương. Thay vào đó, nếu căn cứ vào mức độ dịch của từng địa bàn tập trung hỗ trợ mạnh cho vùng cam, vùng đỏ để giảm bớt áp lực cho ngân sách. Đề nghị sớm triển khai chính sách này.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lạc Sơn cho biết: Huyện Lạc Sơn đã linh hoạt trong hỗ trợ tổ Covid-19 cộng đồng với mức 1 triệu đồng/tổ. Tổng mức hỗ trợ là 500 triệu đồng. Vùng nào cũng cần phải hỗ trợ để tổ hoạt động có trách nhiệm, góp phần giữ được vùng xanh bình yên của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cho rằng: Nên có chế độ hỗ trợ phù hợp. Bởi những địa phương có vùng xanh là nơi làm tốt không được hỗ trợ gây tâm lý bất ổn. Khi thành lập các tổ Covid-19, số lượng thành viên UBND huyện, thành phố ra quyết định thành lập, tránh tình trạng thành lập ồ ạt, không quản lý được. Cần có chế độ đặc biệt với những người tham gia phòng, chống dịch không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhằm động viên, khuyến khích người tham gia phòng, chống dịch.

Theo đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, thời gian qua, tổ Covid-19 cộng động hoạt động rất hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Việc hỗ trợ chế độ, chính sách là cần thiết. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của tỉnh hạn chế nên chỉ hỗ trợ những địa phương có dịch ở 2 cấp độ như trong dự thảo nghị quyết.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/160468/chinh-sach-dac-thu-ho-tro-to-covid-19-cong-dong-tr111ng-phong,-chong-dich-covid-19.htm