Chính sách dân tộc làm thay đổi diện mạo vùng DTTS
Trong những năm qua, nhiều chương trình, đề án, chính sách về công tác dân tộc sau khi ban hành đã được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhanh chóng triển khai vào cuộc sống. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, huyện Đồng Phú đã cụ thể hóa nội dung, triển khai thực hiện phù hợp điều kiện thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.
Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, huyện Đồng Phú đã tập trung thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào DTTS, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, dự án đã đầu tư hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng); cung cấp nhiều giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Từ năm 2003 đến nay, thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đã hỗ trợ sửa chữa 14 tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng 3 cống thoát nước, 8 dự án thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Thực hiện các quyết định số 134, 1592, 755, huyện đã hỗ trợ đất sản xuất cho 70 hộ với 46,48 ha, hỗ trợ đất ở cho 41 hộ với diện tích 5.918m2; xây dựng 106 căn nhà, hỗ trợ nước sinh hoạt 806 hộ, xây dựng 10 giếng nước tập trung có bồn chứa phục vụ nước sinh hoạt cho 317 hộ, xây dựng 1 công trình cấp nước tập trung; hỗ trợ mua nông cụ, máy móc chuyển đổi nghề cho 332 hộ... Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng của huyện ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu người dân.
Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, theo đó tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 20%/tổng số hộ nghèo/năm. Toàn huyện hiện còn 421 hộ nghèo, chiếm 1,79% số dân, trong đó 155 hộ nghèo DTTS, chiếm 36,82% tổng hộ nghèo toàn huyện và 3,12% so với tổng hộ DTTS. Từ năm 2003 đến nay, đã có 1.369 hộ DTTS thoát nghèo (tiêu chí tiếp cận đa chiều).
Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc được chú trọng và giữ gìn. Liên hoan văn hóa - thể thao các DTTS trên địa bàn huyện được tổ chức định kỳ 2 năm/lần với nhiều hoạt động phong phú như: giao lưu văn hóa, thể thao, trình diễn trang phục dân tộc, biểu diễn cồng chiêng, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo... Huyện duy trì đội văn nghệ dân tộc S’tiêng tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi; đội văn nghệ dân ca Tày tại các xã Tân Phước, Đồng Tiến, Tân Hòa; hỗ trợ tổ chức lễ hội tung còn vào dịp tết Nguyên đán của đồng bào dân tộc Tày tại ấp Phước Tân, xã Tân Phước... Việc cưới, tang, lễ hội của đồng bào DTTS được thực hiện theo nếp sống văn minh, lành mạnh.
Trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, huyện quan tâm những học sinh DTTS chưa đến lớp hoặc có nguy cơ bỏ học để vận động các em đến trường. Hằng năm, các trường tiểu học tổ chức từ 27-35 lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Ngoài ra, các trường tăng cường dạy tiếng Việt theo hướng tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục, sử dụng hiệu quả đồ dùng học tập thông qua hoạt động ngoài trời, ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, tổ chức chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh DTTS cấp huyện và tham gia giao lưu cấp tỉnh nhằm phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh DTTS...
Chính sách xét cử tuyển học sinh vào các trường dân tộc nội trú, đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được thực hiện đúng quy định. Hằng năm trên cơ sở chỉ tiêu tỉnh phân bổ, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện thành lập hội đồng xét sơ tuyển học sinh là người DTTS, đề nghị cử tuyển vào các trường dân tộc nội trú và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Kết quả đã cử tuyển 88 học sinh vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Đồng thời, bố trí 34 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp về công tác trên địa bàn huyện. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được huyện quan tâm thực hiện, trong đó chú trọng các đối tượng là người DTTS sinh sống ở vùng sâu, xa, vùng điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn...
Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc đã giúp hệ thống cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện Đồng Phú ngày càng ổn định và phát triển; diện mạo nông thôn, nông nghiệp ngày càng khởi sắc; đời sống tinh thần, vật chất của người dân được cải thiện, nâng cao.