Chính sách đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng nhằm thu hút, trọng dụng người có tài năng?

Bạn đọc Phan Trung Anh ở phường Phượng Sơn, thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, Nhà nước có chính sách gì về đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng nhằm thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 9 Nghị định số 179/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sau khi tuyển dụng vào công chức, viên chức được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tạo điều kiện tham gia học tập, nâng cao trình độ như sau:

1. Được ưu tiên tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực phù hợp với chuyên môn công tác. Được cử tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản, tổng quan của ngành, nghề, lĩnh vực công tác phù hợp với định hướng phát triển.

2. Được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với các chương trình phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và các khóa đào tạo, bồi dưỡng khác phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa phương.

3. Được ưu tiên, tạo điều kiện cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kiến thức chuyên ngành đáp ứng tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý theo chức danh được quy hoạch; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.

* Bạn đọc Trần Văn Môn ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về việc bảo đảm chất lượng vật mua bán?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định Điều 445 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

1. Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.

3. Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp sau đây:

a) Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;

b) Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ;

c) Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/chinh-sach-dao-tao-boi-duong-sau-tuyen-dung-nham-thu-hut-trong-dung-nguoi-co-tai-nang-822079