Chính sách điều hành của Bộ Công Thương: Để dòng chảy kinh tế không ngưng nghỉ

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng như khi dịch bệnh được đẩy lùi, cả nước bước sang trạng thái bình thường mới, Bộ Công Thương luôn chủ động vào cuộc bằng những giải pháp hết sức quyết liệt nhằm đảm bảo mục tiêu kép: Đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Chủ động trước mọi hoàn cảnh

Bộ Công Thương là một trong những Bộ đầu tiên trình Chính phủ báo cáo ban đầu về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động của nền kinh tế.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, trên cơ sở nhận định tình hình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ động đề xuất với Chính phủ bên cạnh việc đặt ưu tiên cao nhất cho mục tiêu chống dịch cũng cần có các giải pháp bảo đảm xuất khẩu. Chỉ ít ngày sau đó trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, tại Văn bản số 808/VPCP-KTTH, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng, chống dịch; không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng ngay từ khi dịch bệnh chớm bùng phát, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng tập thể lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng chủ động mở hướng mới cho các doanh nghiệp dệt may trong nước chuyển sang tập trung sản xuất khẩu trang vải, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa duy trì năng lực sản xuất và xuất khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc tại Tổng công ty May 10

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc tại Tổng công ty May 10

Những câu chuyện trên cho thấy Bộ Công Thương đã chủ động vào cuộc từ rất sớm. Nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải chủ động bởi sẽ không có ai hướng dẫn chúng ta phải làm gì và cũng không thể chờ đợi gì ở thời gian.

Nhiều văn bản quan trọng đã được Bộ Công Thương ban hành chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Có thể kể đến Chỉ thị 04/CT-BCT về tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của ngành Công Thương; Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19; Quyết định số 481/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19.

Cùng đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng có nhiều chương trình công tác, làm việc trực tiếp tại các địa phương, doanh nghiệp để nắm tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó có các giải pháp đúng và trúng…

Tháo gỡ khó khăn từ sự liên tục trong giải pháp

Không chỉ vào cuộc với tâm thế chủ động, nét nổi bật đáng chú ý trong điều hành của Bộ Công Thương là tính liên tục trong các giải pháp được đưa ra. Sự liên tục này đã góp phần tạo niềm tin cho doanh nghiệp, địa phương và người dân cả nước vào các chính sách của Chính phủ. Tính liên tục của các giải pháp, biện pháp được triển khai đồng bộ, song hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện tốt, bảo đảm sự ổn định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Lần đầu tiên trong bối cảnh đại dịch, các nhu yếu phẩm vẫn được bảo đảm ở mức cao nhất cho mọi vùng địa lý của cả nước.

Nhiều phương thức xúc tiến thương mại hiệu quả trong mùa dịch thông qua nền tảng số được liên tục triển khai. Cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các tham tán thương mại, vụ thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng được thiết lập. Chưa khi nào mà xúc tiến thương mại lại song hành nhịp nhàng trong việc khơi thông xuất khẩu như thời gian qua. Khơi thông thị trường đã được làm liền mạch từ công tác nắm thông tin, chủ động kết nối trong và ngoài nước, tham mưu trình chính sách đến việc chủ động làm việc với các đối tác…

Có thể nói, Bộ Công Thương bằng chính sự chủ động của mình trong xây dựng chính sách không chỉ góp phần bảo đảm tăng trưởng ở mức cao nhất mà còn trên cơ sở đó, thiết lập những khung khổ mới để nền kinh tế trở lại bình thường, an sinh xã hội được bảo đảm cho mọi người dân.

Giải pháp quyết liệt, căn cơ

Nhằm khôi phục và thúc đẩy hoạt động kinh tế, ngay trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội, ngày 3/6/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới với mục tiêu đặt ra là vừa xử lý những khó khăn, vướng mắc cấp bách trước mắt, vừa thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, tạo đà cho tăng trưởng bền vững ở những năm tiếp theo. Trong đó, nổi lên 3 nhóm vấn đề cốt lõi:

Thứ nhất, củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, tránh phụ thuộc vào một số ít chuỗi cung ứng. Xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...

Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; trình Chính phủ xem xét, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Thứ hai, tập trung thúc đẩy XK, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP và EVFTA. Theo đó, đã thực hiện ngay việc rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020; xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng có lợi thế... Triển khai các hình thức xúc tiến thương mại mới để kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại những thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Thứ ba, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường và phát triển thương mại điện tử; tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, thông qua thực hiện các đề án, chương trình, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Dòng chảy kinh tế của đất nước không thể ngừng nghỉ, đó là đòi hỏi, là mệnh lệnh của phát triển. Ngay cả khi phải hy sinh những lợi ích kinh tế ngắn hạn để ưu tiên bảo vệ sức khỏe nhân dân, việc tìm ra đáp án cho câu chuyện khơi thông dòng chảy kinh tế vẫn luôn là ưu tiên cao nhất của Bộ Công Thương.

Hà Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-sach-dieu-hanh-cua-bo-cong-thuong-de-dong-chay-kinh-te-khong-ngung-nghi-139159.html