Chính sách đối ngoại cân bằng nước lớn của Indonesia từ sau khi giành độc lập đến nay

Nhìn lại quá trình phát triển của lịch sử đối ngoại của Indonesia từ sau khi giành độc lập vào năm 1945 đến nay, trải qua mỗi giai đoạn lịch sử và tùy thuộc vào bối cảnh quốc tế, khu vực và điều kiện trong nước, Indonesia có ưu tiên khác nhau trong chính sách đối ngoại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo gặp tại đảo Bali (Indonesia) ngày 14-11/2022 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: Jakarta Globe)

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo gặp tại đảo Bali (Indonesia) ngày 14-11/2022 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: Jakarta Globe)

Indonesia là cường quốc tầm trung nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng trên đường biển quốc tế giao lưu giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Là quốc gia quần đảo lớn nhất trên thế giới (17.504 hòn đảo), có số dân đứng thứ 4 thế giới (hơn 275,4 triệu người) với hơn 300 sắc tộc, cũng là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia có khả năng lãnh đạo khu vực nhưng cũng là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn.

Để duy trì được vị trí vai trò ở khu vực và ảnh hưởng quốc tế, Indonesia đã triển khai chính sách đối ngoại định vị đúng vị trí, vai trò quốc gia trong hệ thống quan hệ quốc tế khu vực và quốc tế góp phần tạo ra tầm nhìn, mục tiêu chiến lược phù hợp, tương xứng với thế và lực quốc gia, đặc biệt là duy trì cân bằng, linh hoạt trong quan hệ với các nước lớn trên cơ sở bảo đảm tối đa lợi ích dân tộc.

Nhìn lại quá trình phát triển của lịch sử đối ngoại của Indonesia từ sau khi giành độc lập vào năm 1945 đến nay, trải qua mỗi giai đoạn lịch sử và tùy thuộc vào bối cảnh quốc tế, khu vực và điều kiện trong nước, Indonesia có ưu tiên khác nhau trong chính sách đối ngoại, song luôn giữ vững nguyên tắc cốt lõi độc lập, tự chủ, tự do và chủ động trong quan hệ với các nước.

Nội hàm của chính sách độc lập, tự chủ, tự do và chủ động được Phó Tổng thống đầu tiên của Indonesia Mohammad Hatta giới thiệu ngay sau Indonesia giành được độc lập vào năm 1945. Theo đó, Indonesia chủ trương tự quyết định quan điểm và chính sách đối với các vấn đề quốc tế mà không bị ràng buộc bởi bất cứ cường quốc nào. Indonesia đã khéo léo đứng ngoài, không liên kết và không chịu sức ép phải chọn bên trong cạnh tranh giữa các nước lớn, đồng thời phát huy vị thế của mình để giữ vai trò dẫn dắt ở khu vực. Những nguyên tắc về tự quyết chính trị, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ luôn đề cao.

Chính sách đối ngoại tiên phong, thể hiện vai trò quan trọng trên trường quốc tế

Tổng thống đầu tiên của Indonesia Soekarno (từ năm 1945-1967) đã áp dụng chính sách đối ngoại tiên phong, tích cực tham gia ngay từ đầu trong việc định hình và tạo dựng các nguyên tắc hoạt động và đề ra nhiều sáng kiến trong các tổ chức đa phương như Phong trào Không liên kết, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và sau này là Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Nhóm G-20, tổ chức các nước Hồi giáo.

Chính sách đối ngoại vòng tròn đồng tâm xác định quan hệ với các đối tác dựa trên lợi ích quốc gia và tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Thời kỳ Suharto cầm quyền (1967-1998), Indonesia triển khai chính sách đối ngoại thực dụng, ưu tiên phát triển kinh tế và thực hiện chính sách đối ngoại “vòng tròn đồng tâm”. Với chính sách đối ngoại này, Indonesia xác định quan hệ với các đối tác dựa trên lợi ích quốc gia và tập trung vào khu vực Thái Bình Dương. Theo đó, các ưu tiên đối ngoại được sắp xếp theo khoảng cách địa lý với tâm là Đông Nam Á, tiếp đến là các nước Đông Bắc Á, Mỹ, EU, G20… Trong giai đoạn này, Indonesia xây dựng mối quan hệ với Mỹ đặc biệt về quốc phòng an ninh nhưng lại có mối quan hệ không thuận với Trung Quốc do chính sách chống cộng của Indonesia vào năm 1965.

Chính sách cân bằng động (Dynamic Equilibrium)

Trong 10 năm cầm quyền của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (SBY) (2004 - 2014), Indonesia đặt mục tiêu phát triển kinh tế và khôi phục ảnh hưởng về đối ngoại của mình, triển khai triển khai chính sách “triệu người bạn, không kẻ thù”, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại trên nguyên tắc độc lập và tích cực.

Năm 2011, Indonesia lần đưa đưa khái niệm “Cân bằng năng động” (Dynamic Equilibrium) thể hiện tầm nhìn chiến lược của về một cấu trúc khu vực bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó quan hệ giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn, sẽ được đảm bảo mang tính hòa bình, ổn định và hợp tác thông qua mạng lưới các cơ chế hợp tác khu vực với vai trò trung tâm của Cộng đồng ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Trên cơ sở đó, Indonesia chủ trương tăng cường quan hệ với Mỹ và ủng hộ vai trò và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực, tranh thủ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, tăng cường vai trò tại các diễn đàn đa phương; đồng thời chú trọng làm cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa các nước Hồi giáo và phương Tây. Bên cạnh việc tập trung vào các hợp tác với các nước lớn, Indonesia chủ trương thiết lập nhiều mối quan hệ Đối tác chiến lược với các nướckhác như Hàn Quốc (2010), Hà Lan (2010), Nga (2010), Brazil (2011), Pháp (2011), Đức (2011), Anh (2012), Nam Phi (2012), Nhật Bản (2012) và Việt Nam (2013), nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ. Chính sách đối ngoại của Tổng thống Susilo Bambang giúp nâng cao uy tín của Indonesia trên trường quốc tế sau thời gian hơn 7 năm Indonesia lâm vào khủng hoảng.

Indonesia coi trọng ASEAN và thúc đẩy vai trò trong ASEAN. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Indonesia)

Indonesia coi trọng ASEAN và thúc đẩy vai trò trong ASEAN. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Indonesia)

Chính sách ngoại giao con thoi (Shuttle Diplomacy)

Chính sách đối ngoại của Indonesia giai đoạn này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tầm nhìn và sứ mệnh Tổng thống đương nhiệm Indonesia Joko Widodo dựa trên Nawa Cita - là một ngôn ngữ Indonesia truyền thống - có nghĩa là 9 chương trình nghị sự dưới sự điều hành của Tổng thống Jokowi nhằm xây dựng chính sách hiện tại của Indonesia.

Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Jokowi (2014 - 2019), Indonesia có những bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng thực dụng, hướng nội, dân tộc chủ nghĩa, đặt lợi ích kinh tế lên trên; ưu tiên sử dụng kênh song phương hơn là đa phương trong quan hệ với các đối tác quan trọng và trong quan hệ với các nước lớn. Về tổng thể, chính sách đối ngoại của Indonesia trong giai đoạn này được đánh giá là “khéo léo” trong việc cân bằng các quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, thúc đẩy các cơ hội hợp tác với hai cường quốc này.

Thứ nhất, là bạn tốt với tất cả các cường quốc. Indonesia luôn giữ quan điểm cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp nhất với tất cả các quốc gia, đặc biệt là tất cả các cường quốc, tuyên bố bạn tốt của cả Mỹ và Trung Quốc, có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc duy trì liên lạc, quan hệ để ngăn căng thẳng leo thang, và khẳng định Indonesia không phải đối phó với bất kỳ áp lực nào từ Washington liên quan tới quan hệ giữa nước này với Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 40-41 được tổ chức tại thủ đô Phnompenh (Campuchia) từ ngày 10-13/11/2022, Tổng thống Indonesia Jokowi nhấn mạnh sự cần thiết của ASEAN trong việc giữ thái độ trung lập và không bị sa lầy vào căng thẳng giữa các cường quốc, nhấn mạnh “ASEAN phải trở thành một khu vực hòa bình, là mỏ neo cho sự ổn định toàn cầu, luôn thượng tôn pháp luật quốc tế và không trở thành đại diện cho bất kỳ cường quốc nào”.

Thứ hai, nhất quyết không để sa lầy vào căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Indonesia không để cuộc xung đột Nga-Ukraine tác động đến quan hệ giữa Indonesia và phương Tây. Indonesia đang theo đuổi các kế hoạch hiện đại hóa quân sự lớn song song với việc duy trì quan điểm trung lập về hầu hết các vấn đề.

Trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Jokowi (2019 - 2024), để giữ thế cân bằng với Mỹ và Trung Quốc, Indonesia đã ưu tiên thúc đẩy kinh tế với Trung Quốc và gắn lợi ích an ninh với Mỹ; nâng cao vị thế Indonesia là nước đại diện cho lợi ích các nước vừa và nhỏ, các nước đang phát triển trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng.

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraina và vấn đề Myanmar, Bộ Ngoại giao Indonesia (2/2022) đã công bố bổ sung 3 nội dung trong chính sách đối ngoại đến hết nhiệm kỳ Tổng thống Jokowi (5/2024), gồm: (1) Tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, ưu tiên phục vụ phát triển, giữ thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc: Ưu tiên thúc đẩy kinh tế với Trung Quốc và gắn lợi ích an ninh với Mỹ; (2) Nâng cao vị thế Indonesia là nước đại diện cho lợi ích các nước vừa và nhỏ/các nước đang phát triển trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng. Trọng tâm và ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Indonesia trong năm 2022 là tổ chức thành công hội nghị G20; và (3) Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao phục vụ kinh tế nhằm nâng cao nội lực thông qua thúc đẩy nền kinh tế tự cường và duy trì bảo hộ công dân.

Với Trung Quốc, Indonesia tranh thủ thúc đẩy mạnh hợp tác kinh tế sâu rộng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia trong 10 năm gần nhất với kim ngạch đạt hơn 125 tỷ USD hàng năm; là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Indonesia (sau Singapore) với nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trong chuyến thăm Trung Quốc (7/2022) của Tổng thống Jokowi, lãnh đạo hai nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy đà phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên 4 trụ cột chính trị, kinh tế, giao lưu nhân dân và hợp tác biển, xác định phương lớn để xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh Indonesia-Trung Quốc”. Chính sách đối ngoại của Indonesia với Trung Quốc chỉ tập trung vào chính trị, kinh tế, trong khi hợp tác về quốc phòng hầu như không có.

Với Mỹ, Indonesia tiếp tục dành ưu tiên cao trong quan hệ, tranh thủ hợp tác kinh tế, nguồn vốn, đầu tư và công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Mỹ là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Indonesia. Đồng thời, Indonesia cũng chú trọng tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng với Mỹ. Mỹ cam kết hỗ trợ quân đội Indonesia quá trình hiện đại hóa quân đội, cùng Indonesia duy trì cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn có tên gọi “Lá chắn Garunda” tại Indonesia và hiện trở thành một trong những cuộc tập trận chung lớn nhất tại khu vực với sự tham dự của 11 quốc gia khác như Australia, Singapore, Nhật Bản… mục đích là cải thiện khả năng đối phó với những thách thức an ninh, thiên tai và thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Trong bối cảnh các nước lớn vừa hợp tác, vừa đấu tranh, Indonesia khuyến khích sự hợp tác giữa các quốc gia, sẵn sàng đóng góp vào hòa dịu, giảm căng thẳng Mỹ-Trung, để tránh bị rơi vào thế kẹt trước sức ép phải chọn bên. Indonesia luôn coi ASEAN là điểm tựa cho tham vọng mở rộng ảnh hưởng, phát huy vai trò, củng cố tiếng nói tại các diễn đàn đa phương, khu vực và toàn cầu khác (EAS, APEC, G20, LHQ,…), thúc đẩy hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, chủ động đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến trong xử lý các vấn đề quốc tế quan trọng, sử dụng chính sách ngoại giao con thoi, đóng góp trong việc trung gian hòa giải, giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực như Myanmar, Nga-Ukraine.

Dự báo trong thời gian tới, quan hệ Mỹ-Trung sẽ diễn biến phức tạp với tính chất của mối quan hệ giữa một cường quốc tại vị và cường quốc đang lên. Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ diễn ra với phương thức đa dạng và mức độ gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, an ninh - quốc phòng, cho đến giá trị, tư tưởng... dù chưa có nhiều khả năng dẫn đến trạng thái Chiến tranh Lạnh như thời kỳ Mỹ-Xô trước đây. Mối quan hệ giữa Indonesia và các nước lớn sẽ là chủ đề quan trọng trong các cuộc tranh cử Tổng thống Indonesia vào năm 2024.

Indonesia là một nước có hệ thống chính trị hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam, song hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong lịch sử đấu tranh, giải phóng và phát triển đất nước. Ngoài ra, nền tảng chính sách đối ngoại của hai nước đều có điểm chung là coi trọng chủ động, tích cực, linh hoạt và trách nhiệm, sẵn sàng làm bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước. Những bài học kinh nghiệm về hoạch định chính sách đối ngoại của Indonesia trên đây sẽ là cơ sở nghiên cứu quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

TS. Đỗ Liên Hương - TS. Mẫn Huyền Sâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-sach-doi-ngoai-can-bang-nuoc-lon-cua-indonesia-tu-sau-khi-gianh-doc-lap-den-nay-257637.html