Chính sách đối ngoại của Mỹ sang trang mới

Tổng thống Joe Biden khẳng định quyết định rút quân khỏi Afghanistan cho phép Washington tập trung đối phó các thách thức an ninh trong tương lai

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31-8 lên tiếng biện hộ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh động thái này đánh dấu kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại của Washington, ít dựa vào sức mạnh quân sự hơn.

Trong bài diễn văn đọc tại Nhà Trắng, ông Biden cho biết giờ là lúc "sang trang" đối với vai trò của Mỹ ở nước ngoài, đồng thời nhắc đến một tương lai ít can thiệp hơn của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

"Quyết định về vấn đề Afghanistan không chỉ là về Afghanistan. Đó là về sự kết thúc một kỷ nguyên của các hoạt động quân sự lớn nhằm tái thiết những quốc gia khác" - ông Biden cho biết.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng đã đến lúc rút ra bài học từ các sai lầm ở Afghanistan, đồng thời nêu bật những nội dung được xem là "học thuyết Biden" về chính sách đối ngoại, theo trang The Guardian.

Trước hết, Mỹ phải đặt ra sứ mệnh với những mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được, chứ không phải những mục tiêu sẽ không bao giờ đạt được.

Thứ hai, Mỹ sẽ tập trung rõ ràng vào lợi ích an ninh quốc gia cơ bản của nước này. "Nghĩa vụ cơ bản của một tổng thống, theo quan điểm của tôi, là bảo vệ nước Mỹ, không phải chống lại các mối đe dọa của năm 2001 mà là chống lại các mối đe dọa của năm 2021 và trong tương lai gần" - ông Biden cho biết.

Người tị nạn Afghanistan sau khi đến sân bay quốc tế Dulles ở bang Virginia - Mỹ hôm 31-8.Ảnh: Reuters

Người tị nạn Afghanistan sau khi đến sân bay quốc tế Dulles ở bang Virginia - Mỹ hôm 31-8.Ảnh: Reuters

Theo ông chủ Nhà Trắng, quyết định trên còn cho phép Mỹ tập trung đối phó các thách thức an ninh trong tương lai.

"Thế giới đang thay đổi. Chúng ta đang tham gia một cuộc cạnh tranh nghiêm trọng với Trung Quốc. Chúng ta đang đối mặt thách thức trên nhiều mặt trận với Nga. Chúng ta đang đối mặt các cuộc tấn công mạng và sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ để đáp ứng những thách thức mới này trong cuộc cạnh tranh cho thế kỷ XXI" - ông Biden giải thích.

Tờ The Wall Street Journal nhận định bằng cách xoay trục khỏi Afghanistan, Mỹ sẽ không còn bị sao nhãng trong cuộc đối đầu chiến lược với Trung Quốc và Nga. Ở chiều ngược lại, sự rời đi của Washington đồng nghĩa Bắc Kinh, Moscow và các đồng minh ở khu vực sẽ phải xử lý một loạt rắc rối tiềm tàng đến từ việc phong trào Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, như dòng người tị nạn, khủng bố, ma túy…

Với Trung Quốc, vấn đề chính ở Afghanistan lâu nay chính là sự hiện diện của các tay súng Duy Ngô Nhĩ thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (EITM). Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc (LHQ), khoảng 500 tay súng Duy Ngô Nhĩ đang ở Afghanistan, hầu hết tại tỉnh Badakhshan ở phía Đông Bắc nước này. Trong khi đó, theo đài CNBC, nỗi lo của Nga là Afghanistan có nguy cơ trở thành căn cứ phát động tấn công nhằm vào Moscow và Trung Á.

Ông Ma Xiaolin, chuyên gia tại Trường ĐH Nghiên cứu quốc tế Chiết Giang (Trung Quốc) nhận định sự rời đi của Mỹ không phải là tin tốt cho Trung Quốc và nước này vẫn chưa sẵn sàng thay thế Washington ở khu vực.

Một số nhà phân tích khác dự báo Mỹ sẽ tái tập trung nguồn lực quân sự để đối phó Bắc Kinh, nhất là tại Tây Thái Bình Dương. Tương tự, ông Alexander Gabuev, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moscow (Nga) nhận định việc Mỹ muốn tập trung nguồn lực tại những khu vực ưu tiên, nhất là Đông Á, là bước đi logic về mặt chiến lược.

Bất chấp trấn an của Taliban rằng sẽ không cho phép phần tử khủng bố quốc tế hoạt động tại Afghanistan, Bắc Kinh và Moscow dường như chưa thấy yên tâm. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 29-8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Washington nên tiếp tục giúp Kabul duy trì ổn định, chống khủng bố và bạo lực.

Trong khi đó, ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Afghanistan kêu gọi các nước phương Tây mở cửa lại đại sứ quán ở Kabul và đối thoại với Taliban về việc xây dựng lại nền kinh tế Afghanistan.

Cảnh báo u ám về Afghanistan

Trong ngày đầu tiên Taliban điều hành Afghanistan, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi tất cả quốc gia giúp đỡ người dân Afghanistan "đang chìm trong thời khắc đen tối".

Theo ông Guterres, gần phân nửa dân số nước này - 18 triệu người - cần được viện trợ nhân đạo để sống sót và Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn các dịch vụ thiết yếu.

Thông cáo ngày 31-8 của ông Guterres nêu rõ cứ 3 người Afghanistan thì có 1 người "không biết tìm đâu ra bữa ăn sắp tới", hơn phân nửa trẻ em dưới 5 tuổi có thể suy dinh dưỡng vào năm sau… "Giữa trận hạn hán khốc liệt đang diễn ra và mùa đông khắc nghiệt sắp tới, phải khẩn cấp chuyển thêm thực phẩm, lều bạt, thiết bị y tế, thuốc men… đến Afghanistan" - ông Guterres nhấn mạnh.

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho hay kêu gọi quyên góp 1,3 tỉ USD cho Afghanistan hiện nay mới nhận được 39% đóng góp. Trong khi đó, cơ quan này có thể phải tiếp tục kêu gọi khoản quyên góp cho 4 tháng tới vào tuần sau.

Khẳng định sẽ tiếp tục kề vai sát cánh với người dân Afghanistan như đã làm hơn 60 năm qua, ông Dujarric nói máy bay chở hàng viện trợ của Tổ chức Y tế thế giới đã hạ cánh xuống TP Mazar-e-Sharif ở phía Bắc Afghanistan hôm 30-8, còn Chương trình Lương thực Thế giới cũng nối lại hoạt động tại nước này.

Cũng theo ông Dujarric, LHQ cùng cộng đồng quốc tế hy vọng được nhìn thấy "sự thành lập của một chính phủ bao trùm ở Afghanistan, trong đó tôn trọng nhân quyền - đặc biệt là đối với phụ nữ, các bước tiến trong 2 thập kỷ qua không bị tiêu biến cũng như Afghanistan không trở thành cứ địa của khủng bố".

Hải Ngọc

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-sang-trang-moi-20210901214334743.htm