Chính sách đột phá cho kinh tế: Gỡ nút thắt từ thuế

Nền kinh tế nước ta sau khi đạt mức tăng trưởng cao kỷ lục 8,02% năm 2022 giờ đây đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Dấu hiệu giảm tốc thực ra đã xuất hiện từ quý IV-2022 và qua hai quý năm 2023 đã biểu hiện thành xu hướng rõ rệt hơn. Đây là thời điểm rất cần xây dựng những chính sách linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế, tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế, đồng thời cũng phải tính đến yếu tố dài hạn, tránh những chính sách, cách điều hành đột ngột gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Kinh tế giảm tốc - xu hướng đã nhìn thấy trước

Năm 2022 là một dấu mốc phát triển của nước ta, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt tới 8,02% trong bối cảnh kinh tế thế giới cực kỳ khó khăn do tác động dai dẳng của tình hình dịch Covid-19 và tác động của cuộc xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới lâm vào tình trạng đình lạm (đình đốn phát triển và lạm phát tăng cao) thì nền kinh tế nước ta lại đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm qua, với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 3,15%.

Tuy vậy, nhìn lại năm 2022, sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ 7,83% vào quý II và 13,71% vào quý III, quý IV đã giảm tốc phát triển, chỉ còn đạt mức 5,92%. Bước sang quý I-2023, kinh tế nước ta chỉ đạt mức tăng trưởng 3,32%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,05% trong quý I-2022. Quý II-2023, GDP nước ta tăng trưởng 4,14%, cũng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 7,83% của quý II-2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng của Việt Nam đạt 3,72%, thấp hơn so với mức tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm 2022.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Một thành viên Điện cơ hóa chất 15.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Một thành viên Điện cơ hóa chất 15.

Ngay từ năm 2022, các chuyên gia cả trong nước và quốc tế đã dự báo nền kinh tế nước ta sẽ không thể duy trì phong độ tăng trưởng cao trong năm 2023 do các động lực tăng trưởng đều bị ảnh hưởng rất lớn. Đánh giá về những khó khăn tác động đến nền kinh tế nước ta, đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu những phân tích từ các chuyên gia của Ủy ban rằng ngay từ đầu năm nay, nền kinh tế nước ta đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng, dầu; tăng trưởng kinh tế gặp rất nhiều khó khăn với hầu hết các động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn; việc làm, thu nhập của người lao động bị cắt giảm... qua đó, tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp.

Cần tính cả yếu tố ngắn hạn và dài hạn

Thực tế năm 2023 chưa phải là thời kỳ khó khăn nhất mà nền kinh tế nước ta phải trải qua, nếu so với thời kỳ chúng ta phải ưu tiên dồn mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi kiểm soát đại dịch, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều mạnh tay tung những gói hỗ trợ bằng tiền mặt rất lớn để hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. Ở nước ta, cả Chính phủ và Quốc hội đều đạt được sự đồng thuận rất cao trong việc duy trì kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Năm 2022, tại Diễn đàn kinh tế-xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất thẳng thắn tranh luận với nhiều chuyên gia quốc tế khi họ gợi ý chính sách rằng nước ta nên hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc hỗ trợ ồ ạt bằng tiền mặt có độ rủi ro rất lớn khi lượng tiền mặt được đưa vào lưu thông tăng đột biến, dẫn tới nguy cơ lạm phát tăng cao. Việt Nam kiên trì thực hiện kết hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, một mặt vẫn hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các đối tượng chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 để họ ổn định cuộc sống sau đại dịch, mặt khác là đẩy mạnh các chính sách miễn, giảm thuế, phí (những giải pháp này làm giảm tiền thu vào ngân sách nhà nước, nên khoản giảm thu đó cũng chính là một cách hỗ trợ gián tiếp bằng tiền) và hàng loạt chính sách khác để giảm rủi ro áp lực lên lạm phát. Kết quả thực hiện năm 2022 cho thấy chính sách nước ta đã thực hiện là đúng đắn. Trong khi nền kinh tế thế giới nói chung phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao thì ở Việt Nam lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tăng trưởng không những vẫn đạt được mục tiêu đề ra mà còn đạt cao hơn kỳ vọng. Việc chúng ta rất linh hoạt trong hoạch định chính sách, không máy móc rập khuôn theo một mô hình cụ thể nào trên thế giới đã mang lại thành công ấy. Đó là bài học được rút ra.

Phát huy kết quả đó, tại hội nghị tham vấn về công tác tổ chức Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu bật yêu cầu kiến tạo phát triển. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng, qua diễn đàn phải có được những đề xuất, hiến kế cho Quốc hội các giải pháp đúng, trúng, đưa kinh tế-xã hội nước ta vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng và tạo đà cho sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn-như hiệu quả của các Diễn đàn kinh tế-xã hội hai năm trước. “Càng trong điều kiện khó khăn, thử thách thì hoạch định chính sách càng không được phép "ăn đong", không thể chỉ nhìn vấn đề ngắn hạn, trước mắt mà xác định rất rõ đâu là vấn đề trước mắt, cấp bách, đâu là vấn đề chiến lược, lâu dài", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nghiên cứu chính sách thuế để tăng tổng cầu

Thực tế trên thế giới và nước ta trong thời gian ngắn vừa qua cho thấy, các chính sách được ban hành để thích ứng với giai đoạn này rất nhanh chóng trở thành lạc hậu. Những thuận lợi được tạo ra từ các chính sách thích ứng gần như ngay lập tức chuyển hóa thành những khó khăn, thách thức, trở ngại cần phải giải quyết. Bối cảnh ấy đòi hỏi các chính sách của chúng ta phải một mặt tiếp tục thích ứng linh hoạt với tình hình để chớp cơ hội tốt nhất cho phát triển, nhưng mặt khác phải tránh cho được kiểu ban hành chính sách và điều hành “giật cục”, không dự báo được, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy một số chính sách về thuế của nước ta đang lạc hậu so với yêu cầu của thực tiễn. Điển hình là mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã trở thành lạc hậu so với mặt bằng giá cả mới được thiết lập trên thị trường. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập thực tế của người dân, khiến người dân thắt chặt chi tiêu hơn, trực tiếp làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Do vậy, chúng ta cần sớm ban hành chính sách nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh, góp phần thúc đẩy tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể hài lòng với những kết quả đã đạt được, mà cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho môi trường đầu tư, kinh doanh và cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó thu hút đầu tư nhiều hơn, tạo sức bung mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm hơn cho người lao động.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn bủa vây các động lực tăng trưởng như hiện nay, đẩy mạnh đầu tư công tiếp tục là giải pháp khả thi để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Thời gian qua, tốc độ giải ngân đầu tư công ở nước ta đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm. Nếu khơi thông được nút thắt này, nền kinh tế nước ta sẽ có thêm nguồn lực quan trọng để phát triển.

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chinh-sach-dot-pha-cho-kinh-te-go-nut-that-tu-thue-735906