Chính sách đúng, hậu phương thêm vững mạnh
Chính sách hậu phương quân đội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động trực tiếp đến các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, những người đã, đang công tác trong quân đội và lực lượng làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương. Chăm lo thực hiện công tác hậu phương quân đội có vai trò to lớn đối với việc phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng 'thế trận lòng dân' vững chắc.
Công tác hậu phương quân đội là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng thực hiện.
Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, tổng số đối tượng người có công được chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 8.928 người, với tổng số tiền là 17,8 tỷ đồng/tháng. Số mộ liệt sĩ hiện nay do Sở đang quản lý tại 3 nghĩa trang liệt sĩ ở TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Di Linh là 3.374 mộ. Ban Quản lý các Nghĩa trang liệt sĩ đã thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý, di dời mộ đúng quy định; tổ chức tốt việc viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn. Trong năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành văn bản vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố vận động, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa. Kết quả vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh với tổng số tiền là 2,9 tỷ đồng, đã xây dựng, sửa chữa 53 căn nhà tình nghĩa. Trong đó, 20 căn xây mới, 33 căn sửa chữa, với tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng.
Giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ là một trong những chính sách xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, là mối quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Trong năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho 301 bộ đội xuất ngũ, nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp nên chưa có bộ đội xuất ngũ nào đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, có 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho bộ đội, công an xuất ngũ. Số hồ sơ đã nộp và đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề năm 2021 là 226 hồ sơ, trong đó có 41 học viên đang đào tạo và chưa tốt nghiệp, 185 học viên phải chuyển sang năm 2022 đào tạo. Trong năm, đã giải quyết hỗ trợ kinh phí học nghề cho 132 học viên đã được đào tạo năm 2020 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng.
Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác tư vấn tuyển sinh, đào tạo nói chung, giáo dục quốc phòng an ninh của các trường cao đẳng nói riêng phải chuyển sang hình thức trực tuyến, tỷ lệ tuyển sinh chưa đạt so với kế hoạch, nội dung thực hành trong chương trình đào tạo chính khóa không được triển khai, chất lượng dạy học nội dung lý thuyết chưa đảm bảo do một số sinh viên thiếu thiết bị học tập và đường truyền internet chưa ổn định. Song nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng, an ninh là nội dung cơ bản mang tính cấp thiết trước mắt, đồng thời mang tính chiến lược lâu dài trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh nên các cơ sở đào tạo cũng linh hoạt để thực hiện có hiệu quả nội dung này. Theo đó, ngay từ đầu năm, ban giám hiệu các trường đã rà soát, lập danh sách học sinh, sinh viên thuộc đối tượng huấn luyện quốc phòng an ninh trong năm, chủ động liên hệ với các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh thống nhất kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công các khóa huấn luyện. Cụ thể, trong năm qua, các trường cao đẳng: Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng, Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, Y tế Lâm Đồng đã phối hợp với Trường Quân sự Quân khu 7 tổ chức chương trình huấn luyện quốc phòng an ninh cho sinh viên hệ cao đẳng. Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Cao đẳng Du lịch Đà Lạt xây dựng kế hoạch phối hợp với Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh Trường Đại học Đà Lạt tổ chức trong tháng 12/2021. Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 bên, sự chuẩn bị chu đáo về phòng học, sân bãi, vũ khí, thiết bị quân dụng nên công tác huấn luyện quốc phòng, an ninh cho sinh viên hệ cao đẳng năm 2021 cơ bản được thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng. Năm 2021, có 1.115 sinh viên đăng ký huấn luyện, kết thúc chương trình huấn luyện, tỷ lệ sinh viên được đánh giá đạt chiếm tỷ lệ cao.
Công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội là một bộ phận đặc thù của chính sách xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp góp phần bảo đảm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng thụ hưởng; tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng quân đội, hậu phương quân đội vững mạnh... Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan liên quan, các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, không ngừng chăm lo, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng được thụ hưởng, góp phần tạo động lực quan trọng trong sự phát triển, ổn định của địa phương cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.