Chính sách giá điện: Làm gì để hài hòa nhiều mục tiêu?
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách giá điện vừa phải đáp ứng nguyên tắc của thị trường nhưng lại có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo các yếu tố vĩ mô.
Trong lĩnh vực năng lượng, ngành Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chính sách giá điện, thị trường điện ở nước ta là những vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển ngành Điện, có mối quan hệ mật thiết với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì thế giá điện luôn được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội.
Chính sách giá điện hiện hành
Theo Luật điện lực 2004 (sửa đổi, bổ sung bằng Luật số 24/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013; và Luật số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019), chính sách giá điện được quy định tại Điều 29 như sau:
– Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, hải đảo.
– Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
– Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả.
– Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng; Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội từng thời kỳ.
– Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực.
– Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện.
Tại Luật điện lực cũng quy định về lập và điều chỉnh giá điện phải căn cứ vào: Chính sách giá điện; Điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; Quan hệ cung cầu về điện; Các chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực; Cấp độ phát triển của thị trường điện lực và Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực.
Giá điện và các loại phí
– Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
– Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực.
– Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.
– Giá mua bán điện giao ngay được hình thành theo thời điểm giao dịch trên thị trường điện lực và do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực công bố phù hợp với quy định tại điểm e và điểm h khoản 1 Điều 21 của Luật Điện lực 2004.
Giá điện chưa theo nguyên tắc thị trường
Triển khai Luật Điện lực, trong từng giai đoạn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Gần nhất là quyết định 24/2017/QĐ-TTg năm 2017) và Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (Gần nhất là Quyết định02/2023/QĐ-TTg ngày 3/2/2023).
Theo trình tự của pháp luật và chức năng nhiệm vụ, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và ban hành các Quyết định liên quan đến chính sách giá điện như Quy định về giá bán điện. Trong đó có biểu giá bán lẻ điện theo bậc thang.
Về nguyên tắc thị trường thì việc tính giá cả hàng hóa, dịch vụ, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên cục trưởng cục Quản lý giá Bộ Tài chính, đã được quy định trong Luật giá và phải bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận. Đồng thời điều chỉnh kịp thời khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Tuy nhiên như đã đề cập ở trên vì liên quan đến các yếu tố kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội nên giá điện tại Việt Nam vẫn có sự điều tiết của nhà nước mặc dù các quy định về các yếu tố và thời gian điều chỉnh giá khi có biến động đã được quy định cụ thể trong các văn bản của Nhà nước.
Việc chưa thực hiện các nguyên tắc cơ bản đó đã dẫn đến những khó khăn không chỉ cho ngành điện mà còn cho cả nền kinh tế- xã hội, đặc biệt trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tại nhiều diễn đàn, các cơ quan ban hành chính sách, quản lý nhà nước, chuyên gia đều khẳng định cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý; cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần; cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện... Và những vấn đề này ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Điện, ngành năng lượng và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
Vấn đề chính sách giá điện bất cập, vướng mắc thì ai cũng nhìn nhận thấy, tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn chậm là do chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu như "góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội" và yêu cầu quá cao từ chính sách giá điện. Hơn nữa chính sách giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến điều hành giá điện của cơ quan chức năng.
Đơn cử chỉ liên quan đến điều hành giá điện, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã chỉ ra những tồn tại như: (1) yêu cầu về việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi; (2) hiện chưa có quy định về giá phân phối điện, “giá phân phối điện” sẽ do Nhà nước điều tiết tương tự “giá truyền tải điện”; (3) phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực; (4) hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện và trách nhiệm kiểm tra trước khi các bên ký hợp đồng (tiền kiểm); (5) một số nội dung liên quan đến mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện theo hợp đồng có thời hạn; (6) vấn đề tính đúng, tính đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực; (7) thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện và vấn đề trong điều hành giá bán lẻ điện; (8) giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.
Hay giá bán lẻ điện, dù đã có các phương án phân tích "lợi - hại" nhưng vẫn còn 2 luồng ý kiến trái chiều. Một bên là ủng hộ giá điện bậc thang, một bên lại muốn áp dụng chính sách 1 giá.
Vậy đâu là giải pháp?
Quan điểm của Chính phủ nhiều nhiệm kỳ là chính sách giá điện phải theo cơ chế thị trường, bỏ hẳn bao cấp, tính đúng, tính đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên.
Trên thực tế, các cơ quan quản lý cũng đã có nhiều nỗ lực để tham mưu, xây dựng chính sách, điều hành giá điện nhằm đảm bảo các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của nền kinh tế.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Công Thương đã nêu rõ, chính sách giá điện và điều hành giá điện được thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Bộ Công Thương cũng đã và đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 24 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đã lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đã chỉnh lý hồ sơ Dự thảo Quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Công thương đang rà soát hồ sơ, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để thống nhất nội dung quy định, hiệu chỉnh và hoàn thiện Dự thảo Quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2023.
Liên quan đến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong năm 2022, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó có phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ đã lựa chọn phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc; khoảng cách về giá điện giữa các bậc phù hợp với thực tế tiêu thụ của người dân (phương án này được đa số ý kiến đồng ý).
Bộ Công thương đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan về dự thảo Quyết định phê duyệt phương án trên; đồng thời đăng toàn văn dự thảo Quyết định trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Trang thông tin của Bộ Công thương để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Tuy nhiên do vẫn còn ý kiến khác nhau, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2023.
Có thể thấy, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, chính sách giá điện, cơ cấu biểu giá điện vẫn chưa tạo sự đột phá. Vì thế giá điện vẫn là một câu chuyện nóng, tốn nhiều giấy mực của cơ quan truyền thông. Trong khi đó, số lượng người nghiên cứu tổng quan về cả ngành điện/năng lượng còn hạn chế mà chỉ đưa ra ý kiến dưới góc nhìn của mình dẫn đến nhiều tranh luận.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, cơ chế chính sách, quy định đã có, vấn đề là có muốn làm hay không. Đối với giá điện, buộc phải theo các nguyên tắc của thị trường, nghĩa là điều chỉnh lên xuống theo các yếu tố biến động đầu vào. Đặc biệt cần đẩy nhanh thực hiện lộ trình thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.
Khi thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh, có nhiều thành phần kinh tế tham gia, khách hàng có quyền lựa chọn bên bán điện tùy theo nhu cầu tiêu dùng, chất lượng và dịch vụ điện.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, việc tính đúng, tính đủ giá điện, các chi phí vào giá điện là rất cần thiết vì không thể duy trì một mức giá bao cấp được. Đã đến lúc cần thay đổi, tính theo đúng giá thị trường theo nguyên tắc để thị trường quyết định.
Đối với việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng yếu thế trong giá điện, các chuyên gia đều thống nhất rằng cần tách bạch và có chương trình hỗ trợ riêng (nghĩa là áp dụng chính sách chung về giá điện) vì thực tế Việt Nam đã có nhiều hình thức hỗ trợ nhóm đối tượng này.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với chính sách quan trọng như giá điện, nếu không làm nhanh, quyết liệt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, phát triển kinh tế, vĩ mô hơn là an ninh năng lượng quốc gia (đó là chưa kể độ trễ chính sách). Và bất kỳ chính sách nào cũng không thể đặt quá nhiều mục tiêu; làm hài lòng 100% các thành phần trong xã hội. Vì vậy cần lựa chọn giải pháp tối ưu, tốt nhất để thực hiện sớm.