Chính sách hiệu lực từ tháng 4: Giảm thuế xăng dầu, tăng giờ làm thêm
Giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và tăng thời gian làm thêm cho người lao động cùng nhiều chính sách khác sẽ có hiệu lực từ tháng 4.
Kết thúc tháng 3, hàng loạt quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực. Đáng lưu ý là những quy định thiết thực ảnh hưởng tới hàng chục triệu người như giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và tăng giờ làm thêm tối đa mỗi tháng.
Giảm thuế 2.000 đồng cho mỗi lít xăng
Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hôm 23/3, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4 đến hết 31/12.
Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu được giảm 50% theo đề xuất trước đó của Chính phủ.
Với mức giảm này, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.
Chính phủ tính toán việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu tương ứng là 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.
Từ việc giảm giá thành các mặt hàng này sẽ giúp góp phần hạn chế gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế chia sẻ một phần lợi ích của Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.
Viên chức quốc phòng thôi việc được hưởng trợ cấp một lần
Nội dung này nằm trong Nghị định 19 của Chính phủ hướng dẫn chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc. Nghị định có hiệu lực từ 15/4.
Một trong những chế độ với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là được hưởng trợ cấp một lần.
Cụ thể, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng một tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.
Trường hợp công nhân, viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá một năm kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực, nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì được thực hiện chế độ chuyển ngành; hoàn trả khoản trợ cấp một lần và trợ cấp BHXH một lần (đã nhận).
Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng BHXH thì hoàn trả khoản trợ cấp BHXH một lần (đã nhận).
Áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc
Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định số 206 về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ở 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước đó, từ tháng 11/2021, hóa đơn điện tử đã được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.
Đến tháng 4, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại sẽ được triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, bao gồm: Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Yên Bái…
Cục Thuế 57 tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại địa phương, tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế quy định về hóa đơn điện tử.
Người lao động được làm thêm tối đa 60 giờ mỗi tháng
Có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng 4, nghị quyết về giờ làm thêm trong một tháng và một năm của người lao động đã nới trần thời gian làm thêm so với hiện hành.
Nghị quyết nêu rõ khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ một tháng. Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm.
Ngoài ra, quy định này cũng đề cập một số trường hợp không được nâng giờ làm thêm, gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nới điều kiện để trở thành giảng viên đại học
Thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 19/4 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến bổ nhiệm giảng viên tại các trường cao đẳng sư phạm, đại học.
Theo đó, thay vì yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên riêng theo từng hạng (I, II, III) như trước, thông tư lần này cho phép áp dụng tiêu chuẩn chung là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm hoặc theo tiêu chuẩn chức danh.
Ngoài ra, thông tư mới cũng nêu rõ viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức giảng dạy trước ngày 30/6 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên; được sử dụng chứng chỉ này khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Những người này cũng không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên.
Hỗ trợ tiền đào tạo, bồi dưỡng lao động ngành du lịch
Thông tư 12 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch có hiệu lực từ ngày 9/4.
Kể từ thời điểm này, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch.
Cụ thể, với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.
Người mua Vietlott có thể được hoàn trả tiền mua vé
Đây là một trong những nội dung mới được bổ sung tại Thông tư 18 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán, có hiệu lực từ 28/4.
Theo đó, công ty xổ số điện toán phải hoàn trả tiền mua vé xổ số tự chọn số điện toán cho tất cả người tham gia dự thưởng trong các trường hợp:
- Lịch quay số mở thưởng được thông báo là bị hủy bỏ do sự cố kỹ thuật hoặc trường hợp bất khả kháng xảy ra do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn nhưng chưa có lịch quay số mở thưởng tổ chức lại; hoặc có lịch quay số mở thưởng lại nhưng thời gian quay số mở thưởng chậm hơn 72 giờ so với lịch ban đầu.
- Kết quả quay số mở thưởng đã công bố bị hủy bỏ theo kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài chính, cơ quan công an, cơ quan thanh tra, kiểm tra).
Cũng theo Thông tư 18, vé xổ số được đề nghị hoàn trả tiền cũng phải đáp ứng đủ điều kiện như vé xổ số lĩnh thưởng.