Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và rất ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng chính sách tham gia BHYT như người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo, học sinh, sinh viên... Nhờ có BHYT mà nhiều người bệnh có điều kiện chữa trị các bệnh hiểm nghèo, giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình.
Nhờ được cấp thẻ BHYT, hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bớt gánh nặng kinh tế. Ảnh: NHẤT HUY
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khá cao. Đối tượng hộ cận nghèo, ngoài mức hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ BHYT theo luật định, năm 2019 từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, người dân thuộc diện hộ cận nghèo (không thuộc diện quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP) hỗ trợ đóng 100%, thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT. Điều này có nghĩa, người dân thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh cũng được cấp miễn phí thẻ BHYT. Đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, giúp người cận nghèo tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, giảm bớt nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo, góp phần bảo đảm sự công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đối với hộ nghèo, bên cạnh việc cấp thẻ BHYT miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ngoài ra, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ chi phí ăn uống, đi lại, chuyên chở… theo Điều 4 Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg.
Thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT bệnh nhân nghèo được tiếp cận dịch vụ y tế cao. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ ngày 1-1-2016, người có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến huyện được quyền lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện khác trên phạm vi địa bàn tỉnh mà không cần giấy chuyển viện.
Cũng kể từ thời điểm này, người có thẻ BHYT khám, chữa bệnh trái tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Đồng thời mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo. Như vậy, cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh, quy định “thông tuyến” trong Luật sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cao.