Chính sách hỗ trợ cần đúng và trúng
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn trong quá trình hoàn thiện, dự kiến trong tháng 12 trình Chính phủ. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của dư luận và là chủ đề được bàn thảo khá sôi nổi tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Nên chấp nhận nới lỏng có chu kỳ
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất cần thiết, nhưng điều khiến người dân, doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội quan tâm là những tác động đến kinh tế vĩ mô, như: tăng bội chi, nợ công, nợ Chính phủ; rủi ro tăng lạm phát…
“Liệu chúng ta có chấp nhận từ bỏ khát vọng đến năm 2030, 2045 về một đất nước phát triển thu nhập trung bình cao, cũng như các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ thời kỳ dân số vàng, từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và lỡ nhịp cuộc chơi hay không?”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhận định: “Tuy chúng ta lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hàng năm, nhưng dù sao dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ, khi phải ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát. Cá nhân tôi cho rằng, vẫn có thể tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức 4% GDP. Hiện tại, tổng nguồn chi cho các gói hỗ trợ được cho là quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp”.
Chia sẻ nhận định này, TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, cung cấp thông tin, tỷ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm tới 7 điểm phần trăm (từ 3,2% lên 10,2%) trong thời gian qua.
“Chúng ta nên chấp nhận việc nới lỏng một cách phi chu kỳ như thế này, để vừa phát triển, vừa giải quyết việc làm, vừa làm cho quy mô nền kinh tế lớn lên. Khi quy mô nền kinh tế lớn lên, GDP lớn lên, tự khắc bội chi và nợ công sẽ giảm xuống. Sau đó chúng ta sẽ có lộ trình củng cố tài khóa, củng cố lại kinh tế vĩ mô”, TS Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Giải ngân vào những dự án trọng điểm quốc gia
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bên cạnh yêu cầu “đánh giá thật sát, thật đúng thực trạng hiện nay”, từ đó có được một chương trình phục hồi khả thi, còn phải tính đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, thúc đẩy tiến độ giải ngân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lo lắng: “Bây giờ tiến độ giải ngân còn rất chậm, sắp tới còn có một gói kích cầu đầu tư nào đó thì làm sao giải ngân kịp trong năm 2022 và 2023! Công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt, công tác giải ngân như hiện nay có khi lại dây dưa kéo dài ra đến 5-10 năm sau”.
Chính vì vậy, đối với gói hỗ trợ liên quan đến đầu tư công, ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bày tỏ lo ngại, việc quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả. Do đó, nguồn vốn này cần tập trung vào các dự án trọng điểm cấp quốc gia và được Quốc hội giám sát chặt chẽ; áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn để đẩy mạnh đầu tư công.
Trong đầu tư phát triển, Nhà nước “đừng làm một mình” mà hãy tận lực khai thác hình thức đầu tư đối tác công - tư để cùng làm với dân, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích. Các cơ quan nhà nước đừng vì quá lo an toàn cho mình mà đẩy hết rủi ro và khó khăn về cho người dân, doanh nghiệp. Nếu làm được, đây chính là chiếc chìa khóa vàng để khơi thông được mọi nguồn lực ở dân.
*TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Cần đặt ra 3 yêu cầu đối với chương trình này, đó là: giải pháp cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; triển khai thực hiện thống nhất; có kiểm tra, giám sát và đánh giá. Quy trình và cách thức thực hiện cũng phải đổi mới, không dựa chủ yếu vào giấy tờ và thủ tục hành chính truyền thống, không qua quy trình phê duyệt hành chính.
Chương trình này nên thực hiện trong thời gian 3 năm (2022-2024), với mục tiêu tổng quát là nhanh chóng phục hồi và tăng tốc độ tăng trưởng GDP để đạt mục tiêu nhiệm kỳ. Quan trọng nhất là cần có sự đồng thuận trước thách thức chưa từng có mà đất nước đang trải qua để thực hiện thành công chương trình phục hồi kinh tế.
*Ông LÊ TRUNG TÍNH,Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TPHCM:
Phòng chống dịch là việc phải làm nhưng kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, việc lưu thông hàng hóa phải được tổ chức thông suốt. Muốn như vậy cần “dưỡng sức” doanh nghiệp vận tải. Trước mắt, khi giá xăng dầu đang tăng cao, nhu cầu đi lại của người dân chưa cao, vận chuyển hàng hóa cũng chưa lớn, doanh nghiệp vận tải giảm nguồn thu thì Chính phủ nên gia hạn thực hiện một số quy định “tiêu tốn” ngân sách của doanh nghiệp để dành sức cho tái tạo hoạt động sản xuất, kinh doanh.
*TS PHẠM TRẦN HẢI,Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM:
Công cụ CBA (Cost - Benefit Analysis tức phân tích chi phí - lợi ích) thường được các chính phủ và tổ chức tài trợ quốc tế sử dụng để xem xét tính cần thiết và mức độ ưu tiên của một dự án đầu tư đối với toàn xã hội. Tôi nghĩ, để lựa chọn các dự án đầu tư công có tính đòn bẩy và có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, công cụ CBA cần được nghiên cứu thể chế hóa và áp dụng rộng rãi.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chinh-sach-ho-tro-can-dung-va-trung-98637.html