Chính sách hỗ trợ đào tạo lại lao động: Nhiều doanh nghiệp không mặn mà
Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, đến nay sau gần 1 năm triển khai, số doanh nghiệp đăng ký nhận hỗ trợ khá khiêm tốn.
Chỉ có 47 doanh nghiệp gửi hồ sơ
Việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn có ý nghĩa lâu dài.
Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc tham gia thực hiện chính sách cũng là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động trong việc phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động và nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của nhà trường.
Tuy nhiên theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, tính đến hết tháng 3 năm 2022, báo cáo của các địa phương cho thấy, có gần 200 doanh nghiệp (DN) yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng, trong đó 47 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 lao động với tổng số kinh phí dự kiến là gần 70 tỷ đồng.
Trong đó, vùng Đông Nam bộ có số lượng người lao động được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất (trên 5.000 lao động được người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ, 2 DN đang hoàn thiện hồ sơ để nộp đề nghị hỗ trợ với tổng số lao động gần 50.000 người (công ty CP Pousung Việt Nam, công ty Co Teawang vina); vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên hiện chưa có người sử dụng lao động nào nộp hồ sơ.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, thời điểm triển khai khi Nghị quyết 68, Quyết định 23 được duyệt trong cuối Quý III và Quý IV năm 2021, thời điểm các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nên các hoạt động triển khai đào tạo không thực hiện được.
Bên cạnh đó, các DN lớn và DN FDI chưa thực sự quan tâm đến việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, hoặc ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm. Một số nơi việc xác nhận BHTN còn khó khăn do cách hiểu khác nhau về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.
Doanh nghiệp không mặn mà
Tại Đồng Nai, theo thông tin từ Sở LĐTB&XH, đến đầu tháng 4 cả tỉnh mới chỉ có 3 DN gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động về Sở với hơn 9.000 lao động. Trong đó, mới chỉ có 1 DN được phê duyệt hỗ trợ đào tạo cho 30 người lao động với số tiền 73,5 triệu đồng. Còn 2 DN, do hồ sơ chưa đầy đủ nên được trả lại để nghiên cứu, bổ sung các điều kiện theo đúng quy định của chính sách trên.
Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, thời điểm này, các DN đang tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh, chưa có thời gian chuyển đổi ngành nghề nên chưa quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho người lao động.
Do đó, số lượng hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động gửi về Sở LĐTB&XH rất hạn chế.
Mặt khác, các DN tăng cường tuyển dụng lao động phổ thông nhằm ổn định sản xuất nên chưa mặn mà với việc chuyển đổi ngành nghề sau đại dịch.
Nhìn nhận việc chậm triển khai chính sách, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, việc triển khai chính sách chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân rất thấp, sự vào cuộc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến giải ngân chính sách thấp do sự vào cuộc của các cơ quan, của một số địa phương, kể cả trong ngành LĐTBXH chưa thực sự tốt khi còn tồn tại tư tưởng: cái gì dễ thì làm, khó thì bỏ, rủi ro thì né tránh.
Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan, DN và người lao động chưa đầy đủ, chưa thấy được tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề.
“Đào tạo nghề, vừa để chống thất nghiệp, vừa để chuyển đổi công việc, vừa để nâng cao năng suất lao động, vừa là giữ chân người lao động. Do đó người đứng đầu Sở LĐTB&XH các tỉnh trực tiếp chỉ đạo công việc này. Đồng thời tăng cường tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, nhất là hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.