Chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, thúc đẩy tăng thu ngân sách

Đến thời điểm này có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ về thuế đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy tăng trưởng, quay trở lại có đóng góp về cho ngân sách nhà nước. Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán (thu ngân sách trung ương ước đạt 62,9% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 56,4% dự toán).

6 tháng đầu năm, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 6,9% so với cùng kỳ. Ảnh tư liệu

6 tháng đầu năm, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 6,9% so với cùng kỳ. Ảnh tư liệu

Thu ngân sách 6 tháng đạt 60% dự toán

Trong 6 tháng qua, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Các chính sách về miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, từ đó quay trở lại có đóng góp về cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN ngay từ đầu năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử. Tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; vận hành và thu thuế qua Cổng thông tin nộp thuế nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, 6 tháng thu ước thu 4 nghìn tỷ đồng, lũy kế từ lúc vận hành cổng đến nay thu được 12,8 nghìn tỷ đồng.

6 tháng tổng thu ngân sách nhà nước đạt 60% dự toán

Theo Bộ Tài chính, thu NSNN đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, đạt 60% dự toán (thu ngân sách trung ương ước đạt 62,9% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 56,4% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 59,3% dự toán; thu từ dầu thô đạt 64,5% dự toán, giảm 4,8% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 65,6% dự toán, tăng 6,9% so cùng kỳ.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn); Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu,... Quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2024, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.

Đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh

Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2024. Đồng thời, bố trí lực lượng, tổ chức triển khai kịp thời các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ và ngành Tài chính; chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra

Tính đến ngày 30/6/2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra đã thực hiện 31,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 380,7 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 6,3 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 50 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 8,7 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 6,1 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 41,3 nghìn tỷ đồng.

Cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản sát với giá thị trường,... đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; quyết liệt xử lý thu nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng.

Bộ Tài chính cho biết, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết ngày 26/6/2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 156,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,89 năm, lãi suất bình quân 2,33%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

Quản chặt chi tiêu công

Về chi NSNN, Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 7,7% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán NSNN năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đảm bảo thời hạn quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời, đã ban hành Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2024.

Bộ Tài chính đã đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ và giao dự toán chi NSNN theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

Đồng thời, tăng cường quản lý chi NSNN, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh như bố trí kinh phí xử lý khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ quy định, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2024 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4/1/2024 về tăng cường tiết kiệm chi NSNN. Đồng thời, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với. các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện rà soát, trình Chính phủ hướng dẫn cụ thể về phạm vi, phương thức thực hiện tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm 2024, để dành thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 12/5/2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ trình cấp thẩm quyền phân bổ số kinh phí ngân sách trung ương đã bố trí còn lại cho các nhiệm vụ.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-ho-tro-di-vao-cuoc-song-thuc-day-tang-thu-ngan-sach-154420-154420.html