Chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp cần sát thực tế
Trong những năm qua, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã được tỉnh triển khai nhằm tạo động lực phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Tuy nhiên đến nay, nhiều chính sách triển khai rất chậm, thậm chí không phát huy hiệu quả cần sớm có giải pháp điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp thực tiễn.
Đầu năm 2019, 4 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng được tỉnh lựa chọn đưa về làm việc có thời hạn tại 4 HTX nông nghiệp là HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, xã An Hòa (Tam Dương); HTX Rau an toàn Visa, xã Đại Tự (Yên Lạc); HTX Phú Thái, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) và HTX Nông nghiệp Đại Lải, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên).
Chương trình này được thực hiện theo Kế hoạch 9228, ngày 21/11/2018 của UBND tỉnh về triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021, với mục đích phát huy trí tuệ, sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, tạo động lực cho HTX nông nghiệp bứt phá đi lên.
Tuy nhiên sau hơn một năm triển khai, đến tháng 1/2020, chương trình phải tạm dừng, một số cán bộ trẻ xin rút khỏi các HTX, nguyên nhân chính là không đảm bảo thu nhập, bởi các cán bộ trẻ chỉ được ký hợp đồng và hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa Đỗ Anh Dũng cho biết: Hầu hết các HTX nông nghiệp đều cần cán bộ trẻ do lớp lãnh đạo đều đã cao tuổi, chậm thay đổi, thích nghi với cơ chế thị trường. Như tại HTX chúng tôi, 3 cán bộ lãnh đạo đều đã trên dưới 50 tuổi.
Cán bộ trẻ về thích nghi nhanh, phát huy tốt hiệu quả nhưng do cơ chế hỗ trợ thấp, thời gian hỗ trợ ngắn, không đủ để thực hiện các chương trình phát triển dài hơi, tăng doanh thu bền vững tiến tới HTX có thể tự trả lương cho cán bộ. Vì vậy rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu sớm có phương án phù hợp để hỗ trợ cán bộ trẻ cho các HTX nông nghiệp.
Hay như chính sách giao đất, cho thuê đất, đến nay toàn tỉnh mới thực hiện giao đất cho 9 HTX thuê đất với tổng diện tích trên 64 nghìn m2; có 4 HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mục đích nông nghiệp với tổng diện tích hơn 100 nghìn m2.
Còn lại hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh không có trụ sở riêng, đang sử dụng đất trên các khu vực được UBND cấp xã bố trí hoặc mượn của các đơn vị trong xã. UBND tỉnh đã có nhiều chính sách để dồn ghép ruộng đất, giao đất, cho thuê đất tạo điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn nhưng việc triển khai rất chậm.
Ngoài ra một số chính sách khác cũng ở trong tình trạng tương tự như chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp mua bảo hiểm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm của các HTX; chính sách tuyên truyền, hỗ trợ phát triển HTX…
Phân tích của các cơ quan chuyên môn cho thấy, ngoài các nguyên nhân khách quan như quỹ đất hạn hẹp; nguồn kinh phí hạn chế…việc một số cơ chế chính sách hỗ trợ HTX chưa phát huy hiệu quả đến từ chính bản thân các HTX do năng lực hạn chế, chậm thay đổi thích nghi; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương án khả thi để tiếp cận và vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ; không đáp ứng các điều kiện để được hỗ trợ…
Theo thống kê, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 264 HTX nông nghiệp, trong đó 163 HTX đang hoạt động (có 6 HTX đang hoạt động nhưng chưa chuyển đổi theo Luật HTX 2012); 101 HTX đã ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể.
Tổng số thành viên và tổng số lao động thường xuyên của các HTX nông nghiệp có số lượng tương đương nhau với trên 83 nghìn người. Doanh thu bình quân mỗi HTX chưa đến 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận chỉ khoảng 100 triệu đồng; thu nhập của thành viên, người lao động khoảng 30 triệu đồng. Thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của lĩnh vực kinh tế HTX (gần 50 triệu đồng) chưa nói đến các lĩnh vực khác.
Có thể nói, HTX nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập cho nông dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Do đó, việc đa dạng các chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp, cho người nông dân là rất thiết thực bởi khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn và luôn đối diện với rủi do thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, các chính sách hỗ trợ cần được nghiên cứu, xây dựng sát với tình hình thực tế, phù hợp với nhu cầu, điều kiện, tập quán sản xuất của từng khu vực địa phương, trên phương châm chính sách hỗ trợ là đòn bẩy khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực để các HTX phát triển bền vững bằng chính nội lực của bản thân.