Chính sách hỗ trợ lao động ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài

Một số quy định mới về hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/8.

Bê-tông hóa đường liên thôn, liên xã ở Tuyên Quang. (Ảnh minh họa)

Bê-tông hóa đường liên thôn, liên xã ở Tuyên Quang. (Ảnh minh họa)

Ngày 28/7, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 46/2022/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (dưới đây gọi tắt là Chương trình giảm nghèo bền vững). Văn bản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8.

Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư là quy định về việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Điều 17.

Văn bản quy định cụ thể, nội dung và mức hỗ trợ.

Thứ nhất, đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC. Trong đó, không bao gồm chi phí hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo.

Thứ hai, đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg. Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 70% và hỗ trợ các chi phí khác theo mức hỗ trợ đối với đối tượng quy định tại điểm thứ nhất nêu trên;

Bê-tông hóa đường liên thôn, liên xã ở Tuyên Quang. (Ảnh minh họa)

Bê-tông hóa đường liên thôn, liên xã ở Tuyên Quang. (Ảnh minh họa)

Thứ ba, đối với người lao động khác đang sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg. Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 50% theo mức hỗ trợ đối với đối tượng quy định tại điểm thứ nhất nêu trên.

Thứ tư, chi hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận. Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định mức hỗ trợ cụ thể bảo đảm phù hợp với thỏa thuận giữa hai chính phủ về việc hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Chi hỗ trợ người làm công tác trực tiếp giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động đi làm việc ở nước ngoài tối đa 50 nghìn/người một buổi tư vấn nhưng không quá 500 nghìn đồng/tháng.

Hình thức hỗ trợ, thanh toán kinh phí hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.

Cụ thể, về hình thức, hỗ trợ đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ với các cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trogn trường hợp không đủ điều kiện hoặc không lựa chọn được đơn vị thực hiện dịch vụ hoặc người lao động đã hoàn thành khóa học từ trước đó, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khi đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài căn cứ các hóa đơn, chứng từ thực tế.

Về thanh toán kinh phí hỗ trợ, đối với trường hợp đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Còn với trường hợp người lao động đã hoàn thành khóa học, đang chờ xuất cảnh, cơ quan lao động-thương binh và xã hội hỗ trợ cho đối tượng trên cơ sở hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực, lý lịch tư pháp và các tài liệu liên quan chứng minh người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Theo nhandan.vn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202208/chinh-sach-ho-tro-lao-dong-o-huyen-ngheo-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-7741314/