Chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo DTTS sinh con ban hành đã 8 năm vẫn chưa được thực hiện

Tại buổi Tọa đàm 'Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới' tổ chức sáng 11/3, bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nữ còn gặp một số khó khăn, hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại Tọa đàm

Tồn tại nhiều chính sách thúc đẩy bình đẳng giới không hiệu quả

"Chúng ta vẫn còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dẫn đến các chính sách, quy định không đi vào cuộc sống" - Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.

Chẳng hạn, Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, đến nay vẫn chưa được thực hiện; Nghị định được ban hành nhưng còn phải chờ Thông tư hướng dẫn;

Tiếp đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh dẫn chứng, khoản 4 Điều 14 Luật Bình đẳng giới quy định "nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ" tuy nhiên đến thời điểm này sau hơn 10 năm Luật có hiệu lực thì các quy định trên rất khó thực thi do chưa có các văn bản hướng dẫn.

Một số chính sách, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới đã được ban hành nhưng trên thực tế không phát huy hiệu quả, như: Luật Bình đẳng giới quy định mang tính "ưu tiên" trong một số lĩnh vực của đời sống gia đình, xã hội, tuy nhiên trên thực tế đang tạo ra rào cản đối với sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các hoạt động xã hội.

Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, đến nay vẫn chưa được thực hiện

Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, đến nay vẫn chưa được thực hiện

Một số quy định bảo đảm việc bình đẳng giới dưới góc độ của pháp luật nhưng lại chưa đảm bảo bình đẳng giới thực chất trên thực tế do thiếu các điều kiện bảo đảm, chẳng hạn như quy định "nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức (khoản 4 Điều 11 Luật Bình đẳng giới)…

Liên quan đến quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định 101/2017/NĐ-CP và Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ- CP quy định điều kiện đi đào tạo sau đại học của cán bộ, công chức phải có thời gian công tác 3 năm không kể thời gian tập sự, giới tính nam nữ chưa thật sự hợp lý. "Đây cũng là một trở ngại, làm bớt cơ hội cho nữ giới tham gia đào tạo, bồi dưỡng sau đại học vì lúc đó đa phần nữ giới đều ở độ tuổi lập gia đình, sinh con nên không bố trí được thời gian tham gia" - nữ Thứ trưởng nhận định.

Ngoài ra, một số quy định còn mang tính định tính, khó định lượng (tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội; tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước)…

5 đề xuất nhằm phát triển nguồn nhân lực nữ

Từ đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đề xuất một số giải pháp như: Nâng cao năng lực tham mưu và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện Luật bình đẳng giới.

Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật có liên quan. Chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật và chính sách gây bất bình đẳng đối với phụ nữ trong các lĩnh vực;

Quang cảnh Tọa đàm "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới"

Quang cảnh Tọa đàm "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới"

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 11-NQ/TW đề ra.

Về quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị cần bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch theo đúng tỉ lệ nữ đã được quy định. Khi xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ cần căn cứ vào tiêu chuẩn chung nhưng đồng thời phải tính đến yếu tố giới; tăng cường thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua phương thức thi tuyển, trong đó khuyến khích, động viên cán bộ nữ tích cực tham gia. Công tác tạo nguồn cán bộ nữ cần được đặt trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ nữ trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trong lãnh đạo, quản lý…

Nhóm PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chinh-sach-ho-tro-phu-nu-ngheo-dtts-sinh-con-ban-hanh-da-8-nam-van-chua-duoc-thuc-hien-20230311164350695.htm