Chính sách kinh tế ban đêm của Trung Quốc hoạt động như thế nào?
Nhiều địa điểm ở các thành phố lớn của Trung Quốc mở rộng khung giờ hoạt động trong nỗ lực ứng phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Thay vì hoạt động tới nửa đêm và đóng cửa cho tới sáng, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ của Trung Quốc đang được khuyến khích mở cửa theo khung giờ mới từ 18h tới 6h sáng hôm sau.
Ở Bắc Kinh, chính quyền địa phương cam kết hỗ trợ 700.000 USD cho các hoạt động phát triển kinh doanh ban đêm tại 10 con phố với các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi mở 24/7 tại Bắc Kinh. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng sẽ được hỗ trợ khoảng 70.000 USD.
Song song với đó, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện ngầm cũng được điều chỉnh tăng tuyến, kéo dài thời gian phục vụ để đáp ứng nhu cầu đi lại của các hành khách tới các khu phố đêm này.
Như ở Bắc Kinh, từ tháng 5 đến tháng 10, thời gian hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng sẽ tăng thêm 1 tiếng rưỡi vào các ngày thứ 6 và thứ 7, đặc biệt với các tuyền đường chạy qua các khu vực kinh doanh ban đêm.
Cách làm này phần nào cho thấy hiệu quả. Tại các con phố đi bộ như Wangfujing, Qianmen, Xidan hay khu trung tâm Sanlitun, doanh số tại các cửa hàng tăng trên 50% trong vòng 3 tháng qua. Theo thống kê của Didi, hãng gọi xe lớn nhất Trung Quốc, thời điểm tài xế bắt được nhiều khách nhất là từ 22h đến 6h sáng hôm sau
Cùng với việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh đêm, giới chức các tỉnh cũng chú trọng tăng cường các biện pháp an ninh công cộng. Camera, bảo vệ được tăng cường tại nhiều trung tâm thương mại. Các hãng gọi xe cung cấp đường dây nóng để các khách hàng có thể thông báo ngay khi có trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh Bắc Kinh, các thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân và Nam Kinh trong 2 năm trở lại đây cũng đang triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy nền kinh tế ban đêm thông qua các biện pháp trợ cấp tiền mặt cũng như thúc đẩy giao thông công cộng ban đêm.
Các trung tâm thương mại lớn ở các thành phố trên cùng với Hong Kong, Thâm Quyến cũng duy trì chế độ làm việc ban đêm tại các trung tâm giao dịch tài chính, logistics, xuất nhập khẩu, giao nhận vận tải để phục vụ các tàu hàng container xuất khẩu từ Trung Quốc, hoặc các nước Đông Bắc Á sang Mỹ - thị trường xuất khẩu số 1 của nước này. Nguyên nhân từ chế độ "cú đêm" có thể do là múi giờ trái ngược giữa Mỹ và Trung Quốc buộc các giao dịch thương mại phải thực hiện song song để đảm bảo tính thông suốt.
Chính sách kinh tế ban đêm được xem là biện pháp kích thích kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế thứ 2 thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Theo các số liệu thống kê được công bố mới đây, tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc dừng ở mức 6,2%, thấp nhất kể từ ít nhất là năm 1992 và thấp hơn mức 6,4% của quý I. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu phải đối mặt với tình trạng giảm tốc, tăng trưởng GDP năm 2019 của quốc gia đông dân nhất thế giới được dự báo sẽ rơi xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây.
Theo giới phân tích, việc kinh tế Trung Quốc có thể ổn định trở lại và hồi phục trong nửa cuối năm nay hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu các chính sách kích thích mà Chính phủ nước này tung ra có thể vực dậy hoạt động sản xuất và làm giảm bớt những tác động từ chiến tranh thương mại hay không.