Chính sách Luật Thương mại điện tử: Bảo vệ người tiêu dùng, tạo động lực và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp

Ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú chủ trì Hội đồng thẩm định chính sách Luật thương mại điện tử.

Toàn cảnh họp Hội đồng thẩm định.

Toàn cảnh họp Hội đồng thẩm định.

Tại Hội đồng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử Bộ Công thương Lê Hoàng Oanh - cơ quan chủ trì soạn thảo đã báo cáo tóm tắt dự thảo Tờ trình. Theo đó, mục đích xây dựng chính sách nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử (TMĐT) theo hướng khuyến khích sáng tạo trong việc xây dựng và thưc thi quy định, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tao của doanh nghiệp…

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết cần bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về TMĐT trong thời gian tới, Bộ Công thương xác định 5 chính sách lớn. Trong đó, chính sách 1: Xử lý khoảng trống về các khái niệm trong quy định của pháp luật hiện hành. Điều này nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của thị trường TMĐT.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử Bộ Công thương Lê Hoàng Oanh.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử Bộ Công thương Lê Hoàng Oanh.

Chính sách 2: Quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động TMĐT, nhất là trách nhiệm bảo về quyền lợi người tiêu dùng và chống thất thu thuế. Bởi theo Bộ Công thương, bên cạnh những mô hình hoạt động TMĐT đã được quy định, một số mô hình hoạt động TMĐT mới đã phát sinh như hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, hoạt động TMĐT xuyên biên giới, hoạt động TMĐT của nhà đầu tư nước ngoài, mua sắm qua livestream với sự tham gia của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu, mỹ phẩm, dược phẩm nhưng được tư vấn bởi người không có chuyên môn…

Hơn nữa, các trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động TMĐT, các nền tảng số TMĐT chưa được quy định chưa đầy đủ, chưa đáp ứng quy định về quản lý và sự phát triển của xã hội. Cùng với sự phát triển của công nghệ, dự kiến trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm những mô hình hoạt động TMĐT xuất hiện mới. Với những quy định hiện tại, pháp luật chưa đủ linh hoạt để thích ứng với tốc độ thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ.

Do đó, khi các hoạt động TMĐT được quản lý chặt chẽ theo luật, người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn khi mua sắm trực tuyến, từ đó gia tăng nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế. Đồng thời, việc quy định cụ thể trách nhiệm của người bán, các nền tảng TMĐT, quyền khiếu nại và phương thức giải quyết tranh chấp giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa đảo, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Ông Phạm Đình Thưởng, Hiệp hội Thương mại điện tử

Ông Phạm Đình Thưởng, Hiệp hội Thương mại điện tử

Góp ý tại Hội đồng, ông Phạm Đình Thưởng, Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, hoạt động bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream bán hàng, các hoạt động kinh doanh của cá nhân ngày càng phát triển; các hoạt động TMĐT xuyên biên giới cũng ngày càng phát triển. Do đó, cần phải có các quy định quản lý, điều chỉnh các hoạt động trên. Đồng thời cần tăng cường quản lý nhà nước đối với các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT; Tăng cường quản lý đảm bảo 2 mục tiêu: thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần lưu tâm tới 2 yếu tố: thông tin quảng cáo và hàng giả hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ bởi đang có khoảng trống giữa bán hàng và quảng cáo..

Bên cạnh đó, ông Thưởng đề xuất cần thiết kế chính sách cụ thể nhằm phát triển TMĐT bền vững; Đề xuất bổ sung vấn đề cải cách thủ tục hành chính; Đề xuất có chính sách để khuyến khích xuất khẩu thông qua hoạt động TMĐT, trong đó nghiên cứu để đưa ra chính sách cho các sàn TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam.

Ông Phạm Văn Hùng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cần bổ sung chính sách để bảo đảm bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động TMĐT xuyên biên giới; Cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm.

Đối với Chính sách 2 và Chính sách 3, ông Hùng đề nghị nên thiết kế lại chính sách, thuyết minh rõ ràng xem có chồng chéo với các quy định pháp luật liên quan hay không; Đề nghị cân nhắc lại việc định danh người bán hàng qua VNID…

Ông Nguyễn Nam Tuấn Anh, Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ đồng tình với sự cần thiết xây dựng chính sách bởi hiện nay thị trường giao dịch phát triển rất nhanh; đánh giá cao sự tiếp thu góp ý của Bộ Công thương; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo gia cố thêm quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền. Theo ông Tuấn Anh, hồ sơ Bộ Công thương làm rất công phu, kỳ công, đủ điều kiện trình Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ của Bộ Công thương. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà lại để đảm bảo sự cần thiết của 5 Chính sách.

Về sự phù hợp của chính sách với chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nước, Thứ trưởng đánh giá cơ bản đảm bảo phù hợp. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt, phải thể hiện được các chính sách này nhằm mục đích phát triển, thúc đẩy TMĐT nói riêng, trong đó có kinh tế tư nhân nói chung; rà soát lại sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là vấn đề cắt giảm thủ tục hành chính và phân cấp phân quyền.

Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với Điều ước quốc tế, Thứ trưởng đánh giá chính sách đảm bảo. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị rà soát thêm vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh; hoàn thiện hồ sơ thêm theo ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng thẩm định./.

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chinh-sach-luat-thuong-mai-dien-tu-bao-ve-nguoi-tieu-dung-tao-dong-luc-va-phat-trien-sang-tao-cua-doanh-nghiep-post547545.html