Chính sách mới về lương hưu có lợi cho người lao động

Cùng với những chính sách mới về lương hưu sẽ được áp dụng với người lao động từ 1/7, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc giảm từ 20 năm xuống 15 năm, chuyên gia đánh giá là sẽ giúp nhiều người lao động có cơ hội hưởng lương hưu khi về già.

Thêm nhiều người hưởng lương hưu

Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thời gian đóng BHXH tối thiểu để lao động hưởng lương hưu ở mức 15 năm, giảm 5 năm so với hiện hành, giúp nhiều người được hưởng lương hưu hơn. Điều này đang rất được ngóng chờ.

Bà Lưu Thị Thơ - công nhân Công ty Chế biến gỗ tại Đồng Nai cho biết, bà đã 41 tuổi mới bắt đầu đi làm công nhân. Đến nay, bước sang tuổi 56, bà Thơ luôn trong danh sách dự bị chờ “thôi việc” bất cứ khi nào của công ty. Thời gian đóng bảo hiểm của bà Thơ hiện mới được 15 năm.

Nhiều chính sách lương hưu có lợi cho người lao động. Trong ảnh, người dân nhận lương hưủAnh minh họa

Nhiều chính sách lương hưu có lợi cho người lao động. Trong ảnh, người dân nhận lương hưủAnh minh họa

“Cả 2 vợ chồng tôi đều hơn 40 tuổi mới đi làm công nhân và có tham gia đóng BHXH hằng tháng. Từ sau dịch COVID-19, công ty gặp khó khăn, hằng năm đều sa thải công nhân. Những công nhân lớn tuổi như chúng tôi duy trì được công việc ngày nào biết ngày nấy. Thời gian đóng BHXH giảm xuống 15 năm sẽ giúp tôi có cơ hội nhận lương hưu khi bị công ty sa thải”, bà Thơ chia sẻ.

Nếu bị sa thải, bà Thơ cho biết, sẽ cùng nhiều công nhân lớn tuổi làm cùng công ty trở về quê làm ruộng. Tuy nhiên, thu nhập từ làm ruộng bấp bênh, không đủ khả năng để bà tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Thời gian đóng BHXH bắt buộc giảm xuống ở mức 15 năm sẽ giúp bà Thơ có thêm khoản lương hưu, chi phí sinh hoạt tuổi già.

Nghị quyết số 28-NQ/TW vừa được thông qua về cải cách chính sách bảo hiểm yêu cầu, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới xuống còn 10 năm. Các mức hưởng cũng được tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ngành BHXH cũng giải quyết gần 95,7 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng.

Những năm gần đây, cùng với việc đơn hàng sụt giảm, có rất nhiều lao động lớn tuổi tại khu công nghiệp đứng trước nguy cơ bị sa thải. Sau khi sa thải, công nhân lớn tuổi đa phần trở về làm ruộng. Với khoản thu nhập bấp bênh, nhiều người không đủ khả năng đóng BHXH tự nguyện đến khi đủ thời gian hưởng lương hưu và buộc phải chọn rút BHXH 1 lần. Số liệu thống kê năm 2023 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 950.000 người rút BHXH 1 lần, tăng gần 32% so với năm 2022. Số người rút BHXH 1 lần tăng mạnh do doanh nghiệp khó khăn, cắt giảm lao động, người lao động thiếu việc, không có việc làm, mất việc kéo dài.

Theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), việc giảm thời gian đóng BHXH bắt buộc xuống 15 năm tạo cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu. Trong đó, đối tượng hưởng lợi từ chính sách này như: người lao động đóng BHXH muộn (45-47 tuổi bắt đầu tham gia); người lao động đóng BHXH không liên tục hoặc làm công việc đặc thù, thời gian làm nghề ngắn, không đủ thời gian đóng BHXH. Bên cạnh hưởng lương hưu, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và được chi trả chi phí khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Tăng lương hưu, hướng tới giảm thời gian đóng BHXH

Một trong những chính sách được người hưởng lương hưu mong chờ là tăng lương hưu 15% từ ngày 1/7. Dự kiến sẽ có 3,3 triệu người hưởng lương hưu mới. Tổng số tiền tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng nửa cuối năm 2024 hơn 16.200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Hùng (Hà Nội) cho biết, hiện ông nhận lương hưu gần 5 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1/7, sau khi lương hưu tăng 15%, tổng số tiền ông Hùng nhận được khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.

“Khoản lương hưu tăng thêm giúp người già như chúng tôi có thêm chi phí thuốc thang. Mỗi khi khám chữa bệnh, ngoài phần được bảo hiểm y tế chi trả, nhiều loại thuốc, chi phí bên ngoài người khám bệnh phải trả nên tăng lương hưu sẽ giúp tôi có thêm tiền mua loại thuốc tốt hơn”, ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh tăng lương hưu, chính sách lương hưu cho người lao động cũng được thay đổi. Hiện tại, người lao động để được hưởng lương hưu phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện: đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Thị Thu Lan - Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá, việc giảm thời gian đóng BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu giúp người lao động thêm cơ hội nhận lương hưu. Theo bà Lan, trước đây thời gian đóng BHXH bắt buộc 20 năm, khiến người lao động lo lắng, không biết có làm đủ thời gian để nhận lương hưu được không. Điều này khiến tỷ lệ người lao động rút BHXH vẫn ở mức cao.

“Việc giảm thời gian bắt buộc đóng BHXH giúp người lao động có cơ hội nhận mức lương hưu cao hơn. Bên cạnh giảm thời gian đóng BHXH bắt buộc, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng tỷ lệ hưởng lương hưu để đảm bảo nhu cầu sống cho người lao động”, bà Lan đề xuất.

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chinh-sach-moi-ve-luong-huu-co-loi-cho-nguoi-lao-dong-post1651189.tpo