Chính sách nhân văn giúp hơn 200 người lầm lỗi ở Đắk Lắk làm lại cuộc đời
Được tạo điều kiện cho vay hơn 18,6 tỷ đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, 223 người chấp hành xong án phạt tù tại Đắk Lắk không chỉ ổn định cuộc sống mà ngày càng vươn lên.
Vươn lên nhờ vốn vay chính sách
Tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống là mục tiêu quan trọng đối với những người chấp hành xong án phạt tù.
Để những người từng lầm lỗi có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, hướng tới một cuộc sống mới ổn định và có ích cho xã hội, tỉnh Đắk Lắk không ngừng phát huy hiệu quả từ chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Y Hoang Byă (trú tại buôn Ea Tla, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đầu năm 2021, anh trở về địa phương sau 13 năm chấp hành án phạt tù. Khi mới trở về, anh Y Hoang không tránh khỏi tâm lý mặc cảm, tự ti, sống khép mình trong căn nhà nhỏ chật hẹp của gia đình.
Không chỉ vậy, việc tìm kiếm công việc để mưu sinh với anh cũng là một thách thức. Do không có việc làm ổn định, anh phải làm nhiều công việc nặng nhọc như hái cà phê, chăm sóc vườn tiêu, điều... Đầu năm 2022, anh xuống tỉnh Đồng Nai để xin vào làm ở các nhà máy, xí nghiệp nhưng nguồn thu nhập ít ỏi không đủ trang trải cho những chi phí trong gia đình.
Cuối năm 2023, anh Y Hoang may mắn được đưa vào danh sách vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tận tình hướng dẫn hoàn tất thủ tục, anh nhanh chóng được vay 80 triệu đồng. Với số tiền này, anh mua 4 con bò cỏ để phát triển kinh tế. Đến nay, đàn bò của anh sinh trưởng, phát triển tốt, bò đã sinh được 1 con bê khoảng 4 tháng tuổi.
Ngoài việc chăn nuôi bò, anh Y Hoang còn sử dụng một phần vốn vay để đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Đến nay, vườn cà phê của gia đình anh đang phát triển tốt và sản lượng cà phê thu hoạch cũng tăng lên đáng kể, thu nhập ổn định.
Tương tự, giữa năm 2023, anh Nguyễn Văn Hào (SN 1981, trú tại thôn 9, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) trở về địa phương với nhiều nỗi lo, trăn trở về những khó khăn trong việc mưu sinh sau 14 năm chấp hành án.
Anh Hào chia sẻ: "Sau khi mãn hạn tù, tôi trở về địa phương với đôi bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không có tài sản, cũng không có công ăn việc làm. Đáng nói, thời gian đầu bị mọi người xa lánh, dị nghị nên bản thân tôi không khỏi mặc cảm, tự ti, không dám tiếp xúc với ai. Tuy nhiên, nhìn vợ con vất vả, đối diện với nhiều thiếu thốn nên tôi quyết định đi khắp các buôn làng để mua cau bán kiếm lời. Do vốn ít ỏi nên lúc đầu tôi chỉ mua được khoảng 1 tấn cau mỗi ngày, thu nhập từ 200-300.000 đồng ngày".
Đến tháng 9/2023, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, lực lượng công an và Ngân hàng CSXH, anh Hào được tạo điều kiện vay số tiền 80 triệu đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Anh sử dụng số tiền này để đầu tư vào việc mua bán cau, với sản lượng 5-6 tấn/ngày. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, mỗi ngày anh mang về thu nhập từ 1-2 triệu đồng, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, cải thiện, các con có điều kiện ăn học tốt hơn.
"Kể từ khi tôi được vay vốn và làm ăn ngày càng khấm khá, mọi người xung quanh cũng có cái nhìn thiện cảm hơn. Nhờ đó, tôi ngày càng tự tin hơn và cố gắng vươn lên trong cuộc sống để xứng đáng với sự tin tưởng của gia đình, xã hội. Có được kết quả như hôm nay, tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, lực lượng công an, các cấp chính quyền và Ngân hàng CSXH đã tin tưởng, tạo điều kiện cho tôi có cơ hội làm lại cuộc đời, bước ra khỏi bóng tối", anh Hào tâm sự.
Cũng nhờ được vay vốn ưu đãi, anh Nguyễn Trọng Lãm (SN 1983, trú tại thôn 3, xã Hòa Thắng) không chỉ có công việc ổn định mà kinh doanh ngày càng khấm khá.
Chị Ngô Thị Mai Phương (SN 1989, vợ anh Lãm) cho hay, vào tháng 1/2020, anh Lãm chấp hành án phạt tù xong và trở về địa phương. Ban đầu, anh đi chạy xe tải thuê với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, nhưng không đủ để lo cho gia đình. Cuối năm 2023, anh Lãm và vợ vay vốn từ người thân để mở vườn ươm kinh doanh. Tuy nhiên, do vốn ít nên việc kinh doanh cây giống gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bị gián đoạn.
Mới đây, vào tháng 5/2024, anh Lãm được hỗ trợ vay 80 triệu đồng theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phát triển kinh tế. Sau khi được hỗ trợ vốn, anh Lãm đầu tư vào vườn ươm, mua đất và giống cây. Hiện nay, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định 5-6 triệu đồng/tháng từ vườn ươm, đời sống ngày càng cải thiện. Ngoài việc làm vườn ươm, anh Lãm còn đi chạy xe dịch vụ thuê để tăng thêm thu nhập.
Ông Ngô Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết, việc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là rất phù hợp và đáp ứng được mong mỏi nguyện vọng của đa số những người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.
Quyết định này đi vào cuộc sống và góp phần hạn chế tỉ lệ tái phạm tội cũng như giúp cho những đối tượng đặc thù này thụ hưởng chính sách một cách bền vững. Thời gian qua, UBND xã Hòa Thắng đã tích cực chỉ đạo và phối hợp với Công an xã và các ngành chức năng triển khai quyết định bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, giúp những người từng lầm lỡ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Hồ sơ đề nghị vay vốn ngân hàng theo quy định mới nhất
Góp phần hạn chế tỉ lệ tái phạm tội
Ông Thượng Văn Điệp, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk đã chia sẻ về việc triển khai Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương. Theo ông Điệp, đây là một chính sách rất mới và nhân văn, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội tại Đắk Lắk.
Chính sách này sẽ góp phần hạn chế tỉ lệ tái phạm tội, đồng thời giúp những người từng lầm lỡ được tiếp cận các nguồn lực để ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.
Để triển khai nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo định kỳ trong thời hạn 5 ngày đầu tiên của mỗi tháng, công an cấp xã tiến hành rà soát người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương để lập danh sách đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu, chuyển cho Ngân hàng CSXH làm căn cứ cho vay.
Bên cạnh đó, cơ quan thi hành án hình sự cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH theo dõi, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay.
Trong quá trình triển khai, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chủ động cung cấp thông tin. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá và chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế để nguồn vốn phát huy hiệu quả.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk và Công an tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Qua đó, giúp người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay ưu đãi của chính phủ. Từ đó, góp phần mở ra "cánh cửa" mới giúp những người chấp hành án xong sớm vượt qua mặc cảm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ông Điệp thông tin, đến nay, sau gần 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho 223 người chấp hành xong án phạt tù được vay, với tổng dư nợ hơn 18,6 tỷ đồng.
Đồng thời, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk cũng phối hợp công an tỉnh, huyện và xã đã tiến hành rà soát các đối tượng đủ điều kiện vay vốn và có nhu cầu vay để có giải pháp bố trí nguồn vốn. Qua đó cho thấy, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 3.507 người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian 5 năm.
Bên cạnh những thuận lợi, ông Điệp cho biết, hiện tại nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tuy đã được quan tâm tăng hàng năm.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vẫn còn hạn chế nhất là nguồn vốn cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh, chính quyền địa phương các huyện tiếp tục quan tâm, cân đối bố trí ngân sách để ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn.
Bên cạnh đó, Bộ Công an, Ngân hàng CSXH Việt Nam hướng dẫn triển khai tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 22.