Chính sách nhân văn về chăm sóc sức khỏe sinh sản
Tháng 7-2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 112 quy định về chính sách và kinh phí hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện các biện pháp tránh thai; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020. Sau 4 năm triển khai thực hiện, nghị quyết này đã mang đến hiệu quả tích cực.
Nghị quyết 112 của HĐND tỉnh đã được tỉnh đẩy mạnh triển khai. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 193 quy định về chính sách và kinh phí hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện các biện pháp tránh thai; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020.
Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh ban hành kế hoạch và hướng dẫn thực hiện, đồng thời quán triệt đến các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị, thành và UBND các xã, phường, thị trấn cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền để người dân biết, thực hiện Nghị quyết 112; đồng thời, yêu cầu các ngành Y tế, Dân số thực hiện đúng chính sách hỗ trợ.
Số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, trong 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 112, toàn tỉnh chi gần 5,8 tỷ đồng để thực hiện công tác hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện các biện pháp tránh thai; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; gần 56.500 người được hỗ trợ chi phí thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại như đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc ngừa thai, viên uống tránh thai, triệt sản… với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng; 285 thai phụ diện hộ nghèo, cận nghèo được tham gia dịch vụ tầm soát những bệnh lý di truyền của thai nhi trong thai kỳ với chi phí trên 130 triệu đồng; trên 3.800 trẻ sơ sinh là con của người nghèo, cận nghèo được xét nghiệm tầm soát các bệnh lý di truyền thông qua phương pháp lấy máu gót chân với tổng chi phí trên 750 triệu đồng.
Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lê Trần Thu Thủy, các chính sách của Nghị Quyết 112 mang tính nhân văn cao. Do đó trong quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Song song đó, các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh được thực hiện ở tất cả các cơ quan y tế từ tuyến huyện trở lên. Tất cả viên chức, nhân viên các ngành Y tế, Dân số tiến hành thực hiện những dịch vụ này đều được cử đào tạo, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có kỹ năng tốt, tạo thuận lợi và niềm tin cho người dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ.
Đối với việc vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có các phương tiện tránh thai như thuốc viên, bao cao su được đội ngũ cộng tác viên dân số ấp, khu phố cung cấp tận nhà cho người dân hoặc tại địa bàn. Đồng thời, Tổng cục DS-KHHGĐ vẫn còn cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí cho người nghèo, cận nghèo. Phương tiện tránh thai luôn sẵn có, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Việc theo dõi, giám sát được ngành chuyên môn thực hiện thường xuyên nên hầu hết đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo đều được miễn phí khi thực hiện các dịch vụ tại cơ sở y tế công lập.
Tuy nhiên, đồng chí Thu Thủy cho biết, cái khó hiện nay là một số người thuộc hộ nghèo, cận nghèo phải đi làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp nên việc thực hiện các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh, các biện pháp tránh thai lâm sàng (đặt vòng, tiêm thuốc ngừa thai…) phải thực hiện ngoài giờ và tại các cơ sở y tế tư nhân, trong khi các chính sách của Nghị quyết 112 chỉ hỗ trợ cho các dịch vụ được thực hiện tại cơ sở y tế công lập (có giá thu theo quy định của Nhà nước). Vì vậy, vẫn còn một số người thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa được hưởng chính sách nhân văn hỗ trợ này. “Đặc biệt, Nghị quyết 112 của HĐND tỉnh sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2020, do đó chúng tôi rất mong HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm duy trì thực hiện chính sách nhân văn này trong những năm sau để các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi” - đồng chí Thu Thủy chia sẻ.