Chính sách nước Mỹ trước tiên 2.0 sẽ tác động thế nào đến kinh tế thế giới?

Xuất phát từ chính sách 'Nước Mỹ trước tiên' trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, chính sách 'Nước Mỹ trước tiên phiên bản 2.0' được dự báo sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích kinh tế của Mỹ một cách quyết liệt hơn.

Vào ngày 20-1 tới, khi các nhà lãnh đạo toàn cầu tụ hội tại Davos để bàn thảo về tương lai của toàn cầu hóa, nước Mỹ lại hướng sự chú ý về Washington D.C, nơi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Trong khi Davos là biểu tượng của hợp tác quốc tế và thương mại tự do, thì Tổng thống đắc cử Donald Trump đang chuẩn bị định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu theo cách hoàn toàn ngược lại. Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” phiên bản 2.0 của ông được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi lớn, làm xáo trộn nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu.

Chính sách nước Mỹ trước tiên 2.0

Chính sách áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa tiếp tục là điểm nhấn trong chính sách kinh tế của ông Trump.

Không chỉ hàng hóa, mà cả người di cư vào Mỹ cũng có thể phải đối mặt với những bức tường. Trong chiến dịch tranh cử ông Trump đã đưa ra cam kết về việc trục xuất hàng loạt những người nhập cư không có giấy tờ tại Mỹ, coi đây là cách để tăng cơ hội việc làm cho người dân Mỹ.

Chính sách của ông Donald Trump còn nhấn mạnh việc giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế, bằng cách đưa ra các ưu đãi như giảm thuế doanh nghiệp, nới lỏng các quy định quản lý. Ông Trump kỳ vọng sẽ thuyết phục được các nhà sản xuất nước ngoài dịch chuyển nhà máy tới Mỹ và tạo ra thêm nhiều việc làm.

“Chúng ta sẽ lấy đi việc làm của các nước khác, lấy đi các nhà máy của họ”, ông nói trong một bài phát biểu tại bang Georgia hồi tháng 9-2024, đồng thời đề cập đến cuộc di cư hàng loạt của ngành sản xuất khỏi các đồng minh của Mỹ như Đức và Hàn Quốc, cũng như đối thủ kinh tế Trung Quốc.

Cùng với đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và khoáng sản ổn định cho nền kinh tế. Không chỉ cam kết tối đa hóa sản lượng dầu khí của Mỹ, ông Trump được dự báo sẽ đẩy nhanh việc cấp phép khoan và khuyến khích khai thác các khoáng sản quan trọng trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc - quốc gia hiện đang thống trị các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, chiếm khoảng 60% sản lượng toàn cầu và 85% công suất chế biến.

Thuế quan đè nặng lên tăng trưởng và lạm phát

Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về tác động mà các chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây ra cho kinh tế thế giới. Mức độ thiệt hại cụ thể sẽ còn tùy thuộc vào mức thuế được áp dụng, nhưng thiệt hại là khó tránh khỏi.

“Tôi vẫn nghĩ rằng các hạn chế về thương mại, các biện pháp bảo hộ, không có lợi cho tăng trưởng”, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), đã nói với các phóng viên vào đầu tháng trước khi được hỏi về khả năng chính quyền mới tại Mỹ áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu.

Kinh tế Trung Quốc - nơi gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với việc bị áp thuế bổ sung, sẽ chịu tác động lớn. Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2025.

Ông Eswar Prasad, Giáo sư cao cấp về chính sách thương mại và Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, nhận định kinh tế Trung Quốc đã suy yếu đáng kể sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, và mức thuế quan cao hơn nữa sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu để bù đắp cho những khó khăn kinh tế trong nước.

Ở chiều ngược lại, thuế quan cao hơn cũng có thể phản tác dụng đối với chính nền kinh tế Mỹ. Goldman Sachs dự đoán, sau khi đạt đỉnh vào năm 2026, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ sẽ chịu một đòn giáng mạnh nếu tất cả hàng hóa nhập khẩu bị áp thuế 10%. Một phần là bởi giá tiêu dùng tăng cao sẽ làm giảm chi tiêu của người Mỹ.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Prasad, không giống như các nền kinh tế hàng đầu khác, Mỹ vẫn đang cho thấy sự tăng trưởng năng suất mạnh mẽ. Và nếu tình trạng này vẫn được duy trì, tác động tiêu cực từ thuế quan có thể sẽ được hạn chế. Việc đồng đô la mạnh lên do thuế quan cũng sẽ giúp nền kinh tế Mỹ thu hút vốn đầu tư từ phần còn lại của thế giới, đồng thời làm giảm tác động của việc giá hàng nhập khẩu tăng cao.

Đối với kinh tế thế giới, mức độ tác động cụ thể sẽ phụ thuộc vào cách các quốc gia bị Mỹ áp thuế phản ứng, chẳng hạn như tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Các động thái ăn miếng trả miếng như vậy có thể khiến lạm phát gia tăng, và dẫn tới một cuộc chiến thương mại toàn cầu dưới nhiều hình thức.

Những tác động từ chính sách trục xuất người nhập cư

Giá cả ở Mỹ cũng sẽ tăng nhanh hơn nếu ông Trump đẩy mạnh các biện pháp hạn chế người nhập cư - vốn chiếm khoảng 17% tổng số lao động tại Mỹ. Các chính sách này được dự báo sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động và tiền lương tăng cao hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như xây dựng, chăm sóc sức khỏe…

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, việc Mỹ trục xuất 1,3 triệu người di cư sẽ làm giá cả tăng 1,5%. Còn trong trường hợp cực đoan nhất, việc trục xuất 8,3 triệu người nhập cư sẽ đẩy giá cả tăng 9,1% vào năm 2028. Điều này có thể gia tăng áp lực lạm phát, là gánh nặng lớn đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Chính sách trục xuất hàng triệu người nhập cư không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ mà còn gây ra những hệ lụy sâu rộng đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở Trung Mỹ và Mexico. Các quốc gia này phụ thuộc rất lớn vào kiều hối từ lao động di cư, chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của họ.

Đơn cử như trường hợp của Mexico - quốc gia có khoảng 11 triệu người di cư ở Mỹ, việc trục xuất lao động có thể gây ra những tổn thất lớn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2023, kiều hối chuyển về Mexico lên tới hơn 55 tỉ đô la, chiếm khoảng 3% GDP của nước này. Nếu chính sách trục xuất được mở rộng, Mexico sẽ đối mặt với tình trạng giảm thu nhập từ kiều hối, kéo theo một loạt tác động tiêu cực đến nền kinh tế, từ suy giảm tiêu dùng đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với nhiều xáo trộn

Những lời đe dọa liên tục về mức thuế quan cao của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang làm dấy lên mối lo ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu khi cả các công ty Mỹ và châu Âu đều đang đẩy mạnh đơn hàng và cân nhắc tăng giá, trong khi các nhà máy Trung Quốc vội vã tìm kiếm người mua bên ngoài nước Mỹ.

Nỗi lo ngại của các doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và kéo theo chi phí gia tăng. Chủ tịch của Công ty môi giới và tư vấn hậu cần Krieger Worldwide tại Los Angeles, ông Robert Krieger, chia sẻ với Bloomberg: “Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn hoảng loạn”.

Trong dài hạn, thuế quan và các biện pháp ưu đãi doanh nghiệp của chính quyền Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tới Mỹ, tạo ra nhiều việc làm hơn trong ngành sản xuất, vốn chỉ chiếm khoảng 8% lực lượng lao động Mỹ, và kém xa so với mức đỉnh hơn 30% hồi thập niên 1950.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump cho thấy, các biện pháp thuế quan nhằm hạn chế nhôm và thép nhập khẩu quả thực đã thúc đẩy ngành công nghiệp kim loại của Mỹ đôi chút, nhưng lại gây tổn hại cho các nhà sản xuất khác của Mỹ khi họ phải trả nhiều tiền hơn cho nguyên liệu thô. Chi phí lao động ở Mỹ cao hơn so với nhiều quốc gia khác, cũng khiến cho việc chuyển dịch hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, và kém hiệu quả về kinh tế.

Theo ông Stanley Lah, giám đốc dịch vụ M&A khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc tại Deloitte ở Hồng Kông, đối với những công ty tiếp tục nhắm đến thị trường Mỹ, họ sẽ phải đa dạng hóa địa điểm sản xuất của mình sang những nơi khác ít có khả năng chịu thuế quan tiềm ẩn hơn. Các quốc gia như Mexico và Việt Nam có vị thế khá tốt để hưởng lợi từ những động lực này, nhờ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc.

Nguồn: CNN Business, New York Times, Los Angeles Times, Reuters, Global Finance, Fortune,

Song Thanh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chinh-sach-nuoc-my-truoc-tien-2-0-se-tac-dong-the-nao-den-kinh-te-the-gioi/