Chính sách phải được giải trình thấu đáo, có cơ sở vững chắc, tính thuyết phục cao
Cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên họp sáng 17.8, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhằm bảo đảm bao quát hết các nhóm đối tượng trên thị trường lao động.
Bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đặt ra yêu cầu: “mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều thống nhất để gia tăng số người tham gia BHXH thì phải kết hợp hài hòa cả 2 biện pháp là: quy định mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc và Ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Kinh nghiệm của Trung Quốc cũng cho thấy, với tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 75% thì đó 35% đến từ quy định BHXH bắt buộc và 40% đến từ quy định BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội thể hiện quan điểm đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ nhằm góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung cải cách và nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc của dự án Luật không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: vừa mở rộng đối tượng, vừa phải giữ người lao động ở lại hệ thống lâu dài, vừa phải tăng cường thực hiện tốt hơn quy định về khai trình lao động, kiểm soát thu nhập và tiền lương tốt hơn gắn với nâng cao thu nhập và mức sống cho người lao động; nâng cao tính tuân thủ của cả người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về lao động, pháp luật về BHXH; có các giải pháp hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn về tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động chủ động…
Cũng tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do việc không mở rộng đối tượng tham gia BHXH là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (ước tính khoảng 3 triệu người), tính thống nhất và phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp và tính khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là việc xác định đối tượng để đóng BHXH bắt buộc.
Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết số 28-NQ/TW cótính cải cách rất mạnh, do đó, nhiều nội dung của dự thảo Luật không chỉ sửa đổi, bổ sung đơn thuần mà đã bám sát, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách căn bản hệ thống bảo hiểm xã hội.
Luật Hợp tác xã năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã cụ thể hóa Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới khi mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các thành viên hợp tác xã. Ngoài ra, thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì khi tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật về BHXH.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc dự thảo Luật đã bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới như mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, chẳng hạn như Uber, Grab… Quan hệ lao động bây giờ rất khác so với trước đây, không chỉ giữa người lao động và người sử dụng lao động mà còn có quan hệ ba bên, giữa công ty kinh doanh dịch vụ, công ty nền tảng về người lao động và xuất hiện nhóm người lao động mới là lao động công nghệ, lao động tự do, lao động làm việc từ xa… Nêu thực tế này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhằm bảo đảm bao quát hết các nhóm đối tượng trên thị trường lao động.
Tán thành với quy định dự thảo Luật về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng góp ý, để luật vận hành trôi chảy, cơ quan soạn thảo cần giải trình thêm trường hợp nhóm đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố khi bị ốm đau, cần thanh toán chế độ ốm đau thì ai sẽ là người xác nhận việc này; việc kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện như thế nào?
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung căn cứ, cơ sở lý luận và thực tiễn cho đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Báo cáo đánh giá tác động chính sách còn thiếu thông tin, số liệu thống kê, phân loại cụ thể đối với người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, nhất là đối với nhóm hợp tác xã hoạt động theo mô hình truyền thống; chưa đánh giá tác động về nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cũng như dự kiến sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan khi quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là lần đầu dự án Luật được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, vì vậy, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan cần tiếp tục thảo luận, từng bước hoàn thiện và lưu ý những nội dung quan trọng mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm chính sách được giải trình thấu đáo, có cơ sở vững chắc, có tính thuyết phục cao.