Chính sách phải song hành, tăng nội lực cho doanh nghiệp

Năm 2024 tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ có nhiều khó khăn; vì vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng mong muốn chính sách, thể chế phải luôn song hành để củng cố nội lực, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Bạch Khánh Nhựt:
Mong chính sách vay vốn thông thoáng hơn

Sau hơn 30 năm, Việt Nam từ nước xuất khẩu điều thô không lớn nay đã chiếm gần 80% lượng nhân điều xuất khẩu trên thế giới; năm 2023, xuất khẩu điều của cả nước tăng khoảng 23% so với năm 2022, đạt 3,5 tỷ USD.

Để đạt được những kết quả như vậy, không thể không nói đến vai trò của các cơ chế, chính sách từ giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới đến nay. Đó là những chính sách hỗ trợ hoàn thiện thiết bị, công nghệ chế biến điều; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ban hành tiêu chuẩn điều thô, điều nhân… Bên cạnh đó, đã có chính sáchlinh hoạt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp khi VINACAS kiến nghị; tinh thần quyết liệt, trách nhiệm trong hỗ trợ xử lý các vụ việc lừa đảo quốc tế, bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu điều.

Bước sang năm 2024, ngành điều có triển vọng tốt bởi nhiều thị trường thế giới như EU, Nhật Bản… vẫn có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ điều. Nếu lãi suất ngân hàng trong nước giảm nhiều so với đầu năm 2022 sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Nếu xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas hạ nhiệt, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh hơn kéo nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ giúp ngành điều hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, tình hình của năm 2023 cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điều mới được khôi phục thì lại tiếp tục rơi vào tình thế bất lợi; nếu tình trạng này tiếp tục trong năm 2024 ngành chế biến điều Việt Nam và thế giới có thể rơi vào khủng hoảng.

Để vượt qua thách thức, VINACAS định hình lại chuỗi giá trị điều toàn cầu cho hợp lý hơn để tạo sự phát triển bền vững cho ngành điều toàn cầu. Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất xanh, tăng đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa. Đồng thời, mong muốn Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay thông thoáng hơn cho doanh nghiệp; có cơ chế linh hoạt trong việc thu ngoại tệ khi xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng quan tâm đến hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), mong muốn quy trình thủ tục xác minh sẽ được rút gọn hơn.

Chủ tịch HĐQT thủy sản Thuận Phước Trần Văn Lĩnh:
Cần chính sách hỗ trợ đặc thù cho đơn vị sản xuất con giống

Hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 10 tỷ USD; về nguyên nhân, ngoài những yếu tố tác động từ bên ngoài như địa chính trị, sụt giảm nhu cầu tại các thị trường, lạm phát…, hiện ngành thủy sản đã cạn kiệt năng lượng dự trữ, bộc lộ điểm yếu tiềm tàng như thiếu định hướng về mặt chiến lược, thiếu quy hoạch, thiếu bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là câu chuyện áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến còn nhiều hạn chế...

Vậy năm 2024 có tốt hơn và đạt mục tiêu 9 tỷ USD không? Về yếu tố ngoại lực, nếu vấn đề địa chính trị ổn định, chiến tranh giữa các nước giảm bớt, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường tăng cao thì chúng ta vẫn tiếp tục đi bước đi của những năm trước đây.

Còn về nội lực, nền tảng quan trọng nhất của ngành trong năm 2024 là chính sách, thể chế; cùng với đó phải đưa yếu tố khoa học kỹ thuật vào trong khâu nuôi trồng, chế biến và coi đó là điểm then chốt tạo sức bật để có nguồn nguyên liệu rẻ, thúc đẩy xuất khẩu đi lên. Đơn cử, giá thức ăn nuôi trồng thủy sản đang cao, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản. Riêng giống tôm nuôi và cá tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các đơn vị sản xuất giống cá tra theo quy chuẩn. Tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, bảo đảm không đẻ con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường. Xem xét thay đổi quy định trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay...

Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài:
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về hoàn thuế

Năm 2023 đầy khó khăn không chỉ với ngành gỗ mà còn của cả nền kinh tế. Sức mua thị trường xuống, giá cả giảm, không có đầu ra khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ chỉ đạt 14,4 tỷ USD; giảm 15,9% so với năm 2022.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách tài khóa tiền tệ. Có thể nói đến việc giãn, hoãn một số thuế phí, gói lãi suất 15.000 tỷ đồng ưu đãi cho 2 ngành hàng gỗ và thủy sản. Các ngân hàng cũng cố gắng hết sức tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Chính phủ, địa phương đã rất nhập cuộc trong việc làm thế nào để tăng cường rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tích cực chuẩn bị tuân thủ một loạt các yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi sang sản xuất xanh, tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, khó dự báo về năm 2024 vì còn nhiều diễn biến phức tạp có thể xảy ra, địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí logistics vẫn cao. Do đó, tất cả ngành nghề rất cần Chính phủ kiến tạo, đồng hành, nhiều cơ chế, chính sách cần được hoàn thiện để mục đích cuối cùng là hướng đến việc hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp.

Riêng đặc thù ngành gỗ có nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài lẫn bên trong. Với bên ngoài, rất cần sự hỗ trợ từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ; làm thế nào để kết nối, đàm phám giảm bớt chuyện khởi kiện, điều tra, áp đặt một số biện pháp phòng vệ thương mại gây thiệt hại cho cả hai bên. Các cơ quan đại diện thương mại, ngoại giao Việt Nam cũng nên tăng cường xúc tiến thương mại kết nối doanh nghiệp trong nước với khách hàng nước ngoài, đa dạng hóa sản phẩm…

Trong nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thể chế để doanh nghiệp có thể dễ dàng tuân thủ trong việc hoàn thuế VAT. Cũng có thể có những hỗ trợ cao nhất, làm sao để các doanh nghiệp đầu chuỗi có thể liên kết tốt hơn với các chủ thể trong cả chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chinh-sach-phai-song-hanh-tang-noi-luc-cho-doanh-nghiep-i359502/