Chính sách Syria của ông Trump làm thay đổi cục diện Trung Đông?

Cuộc gặp tại Riyadh của ông Trump không chỉ đánh dấu lần đầu tiên trong 25 năm Mỹ và Syria đối thoại trực tiếp, mà còn mở ra hy vọng cho một Syria đang kiệt quệ.

Cuộc gặp lịch sử: Ông Trump uống trà với cựu thánh chiến

Ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp bất ngờ khi uống trà với ông Ahmed al-Sharaa, người từng bị Mỹ treo thưởng 10 triệu USD nếu bắt được do có quá khứ thánh chiến. Ông Sharaa, trước đây mang biệt danh Abu Mohammed al-Jolani, hiện là Tổng thống lâm thời Syria sau khi lãnh đạo chiến dịch lật đổ chế độ Assad vào cuối năm 2024.

Cuộc gặp tại Riyadh, Ả Rập Xê-út, được Syria gọi là “lịch sử” – lần đầu tiên trong 25 năm lãnh đạo hai nước đối thoại trực tiếp. Đây là điểm nhấn trong chuyến công du Trung Đông của ông Trump, chuyến thăm nước ngoài lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống lâm thời Syria, Ahmad al-Sharaa, tại Riyadh, Ả Rập Xê-út (Ảnh: CNN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống lâm thời Syria, Ahmad al-Sharaa, tại Riyadh, Ả Rập Xê-út (Ảnh: CNN)

Ông Sharaa từng bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố toàn cầu năm 2013 vì lãnh đạo Mặt trận Al Nusra, nhánh al Qaeda tại Syria, bị cáo buộc tổ chức các vụ đánh bom liều chết. Sinh ra ở Ả Rập Xê-út, ông từng chiến đấu chống quân Mỹ ở Iraq trước khi sang Syria, dẫn dắt cuộc nổi dậy Hồi giáo vũ trang để hạ bệ Bashar al-Assad.

Trong bức ảnh do Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê-út công bố, tại cuộc gặp, Tổng thống Trump và ông Sharaa cười tươi. Bộ Ngoại giao Syria cho biết ông Trump cam kết “đứng bên Syria trong thời điểm quan trọng này”. Một ngày trước, Tổng thống Trump tuyên bố dỡ bỏ các lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ đối với Syria. Điều này nhận được tràng pháo tay 40 giây và sự hoan nghênh nhiệt liệt từ Thái tử Mohammed bin Salman.

Ông Trump hài hước nói với cử tọa vào ngày 13/5: “Ôi, những gì tôi làm đều vì Thái tử!” Ông ca ngợi Mohammed bin Salman vì dẫn đầu nỗ lực dỡ bỏ các lệnh cấm vận mà ông gọi là “tàn bạo và gây tổn hại”.

Syria bị Mỹ liệt vào danh sách Nhà tài trợ khủng bố từ năm 1979. Quyết định này mở đường cho Syria tái hòa nhập quốc tế. Nó cũng tạo cơ hội cho các nước vùng Vịnh, đặc biệt là Ả Rập Xê-út, đầu tư hàng tỷ USD vào nền kinh tế Syria, vốn kiệt quệ sau nhiều năm bị cô lập.

Dỡ cấm vận: Niềm vui xen lẫn lo âu của người Syria

Các lệnh cấm vận phương Tây, đặc biệt là Đạo luật Caesar 2019 của Mỹ, đã bóp nghẹt kinh tế Syria. Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Syria giảm hơn nửa từ năm 2010 đến 2020, với 69% dân số sống trong nghèo đói vào năm 2022 và hơn một phần tư rơi vào nghèo cùng cực. Trận động đất tháng 2/2023 càng làm tình hình tồi tệ. Các lệnh cấm vận khiến các nước vùng Vịnh ngần ngại đầu tư, dù họ rất muốn tham gia.

Thông báo dỡ cấm vận của ông Trump làm dấy lên niềm vui lớn. Pháo hoa rực sáng ở các thành phố Syria, và bảng quảng cáo cảm ơn ông Trump cùng Thái tử Mohammed mọc lên khắp nơi. Đồng Lira Syria tăng 27% so với đồng USD. Bộ trưởng Kinh tế Syria Mohammad Nidal al-Shaar bật khóc trên sóng Al Arabiya, nói: “Syria giờ đang bước vào một giai đoạn mới”.

Người dân Syria vẫy cờ Ả Rập Xê-út và cờ Syria để ăn mừng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria (Ảnh: CNN)

Người dân Syria vẫy cờ Ả Rập Xê-út và cờ Syria để ăn mừng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria (Ảnh: CNN)

Ranim Sakhal, một người dân sinh ra ở thập niên 1970, chia sẻ với CNN: “Tôi không biết cuộc sống sẽ thế nào nếu không có cấm vận. Đất nước này đã ngạt thở quá lâu rồi”. Cô hy vọng các nước Ả Rập sẽ giúp đỡ, điều chưa từng có do mâu thuẫn giữa Assad và lãnh đạo Ả Rập.

Nhưng không phải ai cũng lạc quan. Việc dỡ cấm vận giúp hợp thức hóa chính quyền Sharaa, khiến nhiều người lo ngại về số phận các nhóm thiểu số. George, một cư dân Damascus, nói với CNN: “Chúng tôi mừng vì kinh tế có thể hồi sinh, giá cả đang quá cao, hàng hóa khan hiếm. Nhưng lệnh dỡ cấm vận không có nghĩa chúng ta phải chấp nhận chế độ này mà không đưa ra công lý cho những kẻ giết hại thiểu số”.

Ông chỉ ra các nhóm cực đoan hạn chế tự do, như bắt giữ người vì mặc quần ngắn và xuất hiện cùng bạn khác giới. Tháng 3/2025, các tay súng trung thành với chính quyền mới hành quyết tại chỗ và nói về “thanh lọc” đất nước, dẫn đến vụ giết hại cộng đồng Alawite, khiến Liên Hợp Quốc báo cáo cả gia đình, bao gồm phụ nữ và trẻ em, bị sát hại.

Ả Rập Xê-út nắm cơ hội, Israel bất mãn

Trong nhiều thập kỷ, các nước vùng Vịnh bị gạt khỏi Syria khi Iran mở rộng ảnh hưởng qua liên minh với Assad. Nội chiến Syria làm rạn nứt quan hệ với các nước Ả Rập, dẫn đến việc Syria bị trục xuất khỏi Liên đoàn Ả Rập.

Sau khi Assad sụp đổ, Ả Rập Xê-út và Qatar đẩy mạnh nỗ lực đưa chính quyền Sharaa trở lại quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê-út Faisal bin Farhan ngày 14/5 tuyên bố: “Syria sẽ không cô đơn. Ả Rập Xê-út sẽ đi đầu trong việc hỗ trợ kinh tế Syria, cùng các anh em khu vực”.

Hasan Alhasan, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói: “Ả Rập Xê-út muốn Syria ổn định, và cách duy nhất là cung cấp cho chính quyền hiện tại nguồn lực kinh tế để đạt chiến thắng”.

Cuộc gặp Trump-Sharaa gây tranh cãi với Israel. Ông Trump không đạt tiến triển trong việc bình thường hóa quan hệ Ả Rập Xê-út - Israel, thay vào đó công khai ủng hộ Sharaa. Điều này được coi như thách thức Israel – nước đã không kích Syria và chiếm thêm lãnh thổ sau khi Assad sụp đổ.

Một quan chức Israel nói với CNN rằng Thủ tướng Netanyahu, khi gặp ông Trump hồi tháng 4, yêu cầu không dỡ cấm vận Syria do lo ngại lặp lại vụ tấn công của Hamas vào ngày 7/10 /2023.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: CNN)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: CNN)

Sau khi Assad bị lật đổ, ông Netanyahu ra lệnh tiến quân sâu vào Syria, chiếm Núi Hermon và không kích hàng trăm lần để phá hủy vũ khí hóa học, phá vỡ chính sách “láng giềng tốt” từng cam kết. Ông Netanyahu cho biết vào tuần trước: “Chúng tôi lật đổ chế độ Assad, vốn là cầu nối đất liền giữa Iran và Hezbollah ở Li băng”.

Ông Trump ca ngợi Sharaa, gọi ông là “người trẻ tuyệt vời, hấp dẫn, có quá khứ mạnh mẽ” và là “chiến binh” có cơ hội “đoàn kết đất nước”. Ông đề nghị Sharaa bình thường hóa quan hệ với Israel, trục xuất “khủng bố” nước ngoài và Palestine, đồng thời giúp Mỹ ngăn ISIS trỗi dậy.

Ông Sharaa từng nói với CNN năm 2024 rằng phe đối lập vũ trang Syria sẽ xây dựng chính phủ dựa trên thể chế và “hội đồng do dân chọn”. Nhưng quá khứ thánh chiến và các hành động gần đây của chính quyền mới khiến nhiều người nghi ngờ về tương lai tự do tại Syria.

Natasha Hall từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: “Việc ông Trump công khai dỡ cấm vận từ Riyadh là sự chấp thuận ngầm cho những ai muốn đầu tư vào Syria, đồng thời mang lại chiến thắng cho Mohammed bin Salman”.

Quỳnh Anh (Nguồn: CNN)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chinh-sach-syria-cua-ong-trump-lam-thay-doi-cuc-dien-trung-dong-ar943315.html