Chính sách tài khóa của Bộ Tài chính nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế
Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 nhưng sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn gây tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các hoạt động của nền kinh tế.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải nâng dần khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, đồng thời phải đa dạng hóa các thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu để giảm thiểu các rủi ro khi một mắt xích trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được yêu cầu.
Tạo dư địa tài khóa để chống đỡ các “cú sốc” kinh tế
Theo các chuyên gia, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn nên đại dịch COVID-19 đã tác động sâu, rộng tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được đến thời điểm này, có thể khẳng định các chính sách của Chính phủ đã đi đúng hướng, phát huy hiệu quả, kịp thời động viên cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, một trong những gói chính sách quan trọng nhất được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là các chính sách về tài khóa. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, từ thực tế nghiên cứu, xây dựng và triển khai các giải pháp tài chính để ứng phó trong mùa COVID-19, Bộ Tài chính đã rút ra một số bài học quan trọng nhằm nâng dần khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, đồng thời phải đa dạng hóa các thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu để giảm thiểu các rủi ro khi một mắt xích trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được yêu cầu.
Trong đó, để ứng phó với các “cú sốc”, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, việc tăng cường sự phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là rất quan trọng. Theo đó, cần phải thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt để vừa đối phó với dịch bệnh vừa hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách tài khóa an toàn, thận trọng cùng với việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công từ trước khi đại dịch xảy ra cũng đã góp phần củng cố khả năng chống chịu của ngân sách Nhà nước, của nền kinh tế trước đại dịch…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, dư địa tài khóa của Việt Nam đã được củng cố và tăng cao. Đến hết năm 2019, nhiều mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm về tài chính ngân sách đã cơ bản hoàn thành như thu ngân sách Nhà nước đã đạt 25,5% GDP, chi ngân sách Nhà nước bằng gần 28% GDP; bội chi ngân sách Nhà nước bằng 3,36% GDP và nợ công ở mức 54,7% GDP.
Do đó, dù năm 2020, thu ngân sách giảm mạnh so với dự toán, nhưng nhờ tiết kiệm chi chúng ta vẫn có dư địa tài khóa để chi cho đầu tư phát triển, phòng chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho rằng, với dư địa tài khóa rộng như vậy, Việt Nam vẫn có thể xem xét gia hạn các giải pháp giảm thuế, phí, gia hạn nộp thuế... cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu để có thị trường tài chính ổn định, bền vững.
Cơ cấu lại nguồn thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thị trường thế giới gián đoạn, sản xuất gặp khó khăn đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến các nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới sẽ gây áp lực lên ngân sách và nợ công.
Do vậy, chúng ta cần phải tập trung đẩy mạnh các biện pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, thực hiện cắt giảm chi thường xuyên, nâng cao tính tiết kiệm, hiệu quả, kỷ luật trong chi ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải ngân vào đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.
Bộ Tài chính đã đề xuất, trình Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên chưa cấp thiết còn lại năm 2020. Cùng với việc lùi thời hạn tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nhân dân để chia sẻ khó khăn với Nhà nước và nhân dân, Bộ Tài chính ước tổng kinh phí tiết kiệm năm nay khoảng 14,7 nghìn tỷ đồng.
Về nguồn thu, theo Bộ Tài chính, giải pháp quan trọng mà Bộ đã và đang thực hiện là cơ cấu lại nguồn thu, theo đó, tăng tỷ trọng thu nội địa, bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; đảm bảo tỷ trọng giữa thuế thực thu và thuế gián thu ở mức hợp lý. Cùng với đó, nghiên cứu để ban hành và khai thác tốt thuế tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường…
Tăng cường quản lý thu, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại. Đồng thời, cần tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ vay theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển, đặc biệt chú trọng quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo các rủi ro liên quan đến nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia và các rủi ro tài khóa được quản lý, giám sát chặt chẽ trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.