Chính sách tài khóa đã góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô
Theo các đại biểu Quốc hội, trong hoàn cảnh khó khăn, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Các chính sách hỗ trợ: miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… đã giúp doanh nghiệp phục hồi, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội.
Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế
Phát biểu tại hội trường, các đại biểu cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 cũng như đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác điều hành tài chính - ngân sách nhà nước thời gian qua.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang khẳng định, công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong nửa nhiệm kỳ qua. Theo Đại biểu, trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch; đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dư địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả…
"Chính sách tài khóa thời gian qua góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh", Đại biểu đánh giá. Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại biểu bày tỏ băn khoăn về thu ngân sách, bội chi... đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm quốc gia, tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng, ưu tiên chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…) giúp cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước, tháo gỡ những vướng mắc xuất nhập khẩu, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đã đạt được những yêu cầu lớn…
"Cân đối vĩ mô cơ bản ổn định, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nợ công, bội chi, lạm phát được kiểm soát, tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Ước thực hiện tổng thu ngân sách năm 2023 cơ bản đạt dự toán", Đại biểu nêu.
Lo ngại các chính sách hỗ trợ làm giảm thu ngân sách
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Đỗ Thị Lan chỉ rõ một số tồn tại, bất cập như chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tổ chức sẽ tiếp tục giảm thu ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số khoản thu ngân sách sẽ ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách.
Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm và những năm tới, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về thu, chi ngân sách.
Về dự toán ngân sách năm 2024, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Quốc hội xem xét quyết định việc điều tiết ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có kết quả khảo sát, đánh giá thực tế tại các địa phương về yêu cầu nhiệm vụ chi cho các chính sách mới theo quy định để có giải pháp phù hợp với từng địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.
Đại biểu thống nhất với đề xuất xử lý bù chi ngân sách năm 2024 cho một số địa phương để bảo đảm chi ngân sách địa phương không thấp hơn mức chi năm 2023; Ưu tiên bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chi cho con người. Đồng thời, Đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thu, chi ngân sách, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương gắn với bảo đảm kỷ cương tài chính ngân sách.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nhất trí cao với chủ trương tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương. "Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương", Đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, nhiều địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn lực ngân sách địa phương đã ban hành một số chính sách cho các đối tượng cụ thể theo lương cơ sở như: chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế cấp huyện, cấp tỉnh đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp; chi trả phụ cấp cho khuyến nông viên cơ sở; chi phụ cấp kiêm nhiệm cho Hội đồng Nhân dân các cấp...
Mặt khác, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, nhiều cán bộ dôi dư cũng cần phải có chính sách hỗ trợ. Do đó, Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự đoán năm 2023, để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ Ngân sách trung ương...